Theo các nhà khoa học Australia, nước này đang phải trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 1.000 năm qua.
Thủ tướng John Howard đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo các bang New South Wales, Victoria, South Australia và Queensland để bàn cách đối phó. David Dreverman, chủ tịch ủy ban lưu vực sông Murray-Darling cho biết hệ thống sông này - cung cấp 3/4 lượng nước tiêu thụ cho toàn quốc - đã xuống thấp 54% so với mức thấp nhất được ghi nhận trước đây. Dự báo hệ thống sông này có thể sẽ cạn khô trong vòng 6 tháng tới.
Nguồn nước uống ở nhiều khu vực cũng bị hạn hán ảnh hưởng. Hồ chứa nước lớn nhất Sydney hiện chỉ còn 40%. Nhiều thị trấn nhỏ vùng nông thôn ở miền đông nước này đang đối mặt với nạn thiếu nước trong vòng 1 tháng nữa. Tuần qua, chính phủ dự báo vụ mùa lúa mì năm nay sẽ thấp nhất trong 12 năm qua, giảm 62% so với năm ngoái; sản lượng nông nghiệp có thể giảm 20%.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Nông nghiệp Peter McGauran hôm qua thông báo sẽ chi hơn 200 triệu đô la Australia để giúp các doanh nghiệp hỗ trợ các nông dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Tháng trước, chính phủ đã hỗ trợ 910 triệu đô la Australia cho 72.000 nông dân bị ảnh hưởng.
Tình trạng hạn hán cũng đã gây ra các tranh cãi chính trị tại Australia. Cùng với Mỹ, Australia tỏ ra hoài nghi về vấn đề thay đổi khí hậu, và ông Howard đã từ chối ký nghị định thư Kyoto. Hiện ông đã thừa nhận quá trình thay đổi khí hậu đang diễn ra, tuy nhiên cho rằng nghị định thư Kyoto có chỗ hở do nó không bao gồm các nước gây ô nhiễm chính như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Tuy nhiên tuần trước các con số báo cáo mới của Liên hiệp quốc cho thấy ngoài Luxembourg, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính/đầu người của Australia đang cao nhất phương tây.
. Theo Herald Sun, The Guardian |