Với 38% số phiếu giành được trong tổng số 91% phiếu được kiểm, lãnh đạo Mặt trận Giải phóng Dân tộc Sandino (FSLN), ông Daniel Ortega, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Nicaragua. Ứng viên về nhì trong cuộc bầu cử, ông Eduardo Montealegre thuộc Liên minh Giải phóng dân tộc, người chỉ giành được 29% số phiếu bầu, đã nói lời chúc mừng ông Daniel Ortega. Về thứ ba là ứng viên Jose Rizo với 26,2% số phiếu.
|
Ông Daniel Ortega và những người ủng hộ FSLN diễu hành trên đường phố ở Managua sau khi biết kết quả ban đầu cuộc bầu cử.
|
Theo luật Nicaragua, người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống phải giành được 35% số phiếu và vượt đối thủ 5%. Và như vậy ở khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ lại có thêm một nhà lãnh đạo thiên tả. Điều này có thể khiến Mỹ phải đổi định hướng chiến lược ngoại giao ở khu vực vốn được xem là sân sau nước Mỹ.
Ông Ortega, 60 tuổi, được xem là một kẻ thù khó chịu của Mỹ thời chiến tranh lạnh, đã từng lãnh đạo Nicaragua từ năm 1979 sau khi lật đổ nhà độc tài quân sự Anastasio Somoza. Ông lại được bầu làm Tổng thống vào năm 1984 nhưng thất cử trong kỳ bầu cử kế tiếp và rời quyền lực vào năm 1990. Tổng thống Guatemala Oscar Berger đã gửi lời chúc mừng ông Daniel Ortega. Chủ tịch Fidel Castro của Cuba cũng chúc mừng “chiến thắng vĩ đại” này của ông.
Sau 16 năm và phải đến lần tranh cử thứ tư, cựu tổng thống Nicaragua Daniel Ortega của FSLN mới giành lại được quyền lực cao nhất ở đất nước này. Mỹ lo ngại trong khi chiều hướng thiên tả tiếp tục trên chính trường Trung và Nam Mỹ.
Ông Ortega cũng là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên ở khu vực này kiên trì tranh cử suốt 16 năm liền và rồi tái cử. Điều đó đủ để cho thấy cử tri Nicaragua phải tin cậy ông như thế nào và thất vọng về những ứng cử viên thuộc phe bảo thủ như thế nào.
Ở Mỹ Latinh hiện nay có 11 nước, chiếm 85% dân số của khu vực đang do các nhà lãnh đạo cánh tả lãnh đạo hoặc có nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử trong năm 2006 này. Diện mạo chính trường Mỹ Latinh đã thay đổi. Góp phần vào sự thay đổi đó có vai trò quan trọng của các nhà lãnh đạo như Fidel Castro, Hugo Chavez, Evo Morales, Lula de Silva (Brazil), Nestor Kirchner (Argentina). |
Nicaragua là một trong số những quốc gia ở khu vực chịu tác động và áp lực mạnh mẽ của Mỹ. Ông Ortega và cuộc cách mạng ở Nicaragua đã từng là đối thủ của Mỹ từ thời tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Vụ bê bối “Contragate” chẳng đã từng làm rung chuyển chính quyền Reagan đó hay sao. Những người kế nhiệm ông Reagan ở Washington đều không tiếc nhiệt tình và tiền của để hậu thuẫn cánh hữu ở Nicaragua và ngăn cản sự phục hưng của FSLN với thủ lĩnh là ông Ortega. Ngay cả lần này, trước ngày bầu cử, phía Mỹ đã lên tiếng dọa dẫm sẽ cắt viện trợ nếu ông Ortega thắng cử.
Bởi thế, thắng cử của ông Ortega có lẽ nhờ hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất là trong 16 năm qua, ở Nicaragua không còn nội chiến, nhưng cũng không có được sự phát triển kinh tế xã hội có lợi cho đại đa số người dân. Đói nghèo và sự chênh lệch giàu nghèo vẫn là tình trạng phổ biến ở Nicaragua. Người dân không còn tin vào chính phủ bảo thủ được Mỹ hậu thuẫn.
Lý do thứ hai là những thay đổi trong nhận thức và quan điểm của cá nhân ông Ortega khi ông tuyên bố chủ trương hòa giải dân tộc, phát triển kinh tế và bảo vệ sở hữu tư nhân để cải thiện đời sống cho đại đa số người dân.
Có người cho rằng thắng cử của ông Ortega sẽ đưa đất nước này về lại quá khứ. Không phải vậy. Thắng cử này là sự bắt đầu một thời kỳ mới ở Nicaragua.
|