|
Nhà máy hạt nhân Bushehr của Iran đang được xây dựng dưới sự giúp đỡ của Nga. |
Theo yêu cầu của HĐBA, ngày 8-11, Nga đã trình lên cơ quan này bản bổ sung dự thảo nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Phần bổ sung của Nga điều chỉnh một số biện pháp cứng rắn trong dự thảo nghị quyết (do Anh, Pháp đề xuất), trong đó có việc loại trừ áp đặt lệnh trừng phạt lên nhà máy hạt nhân Bushehr của Iran, đang được xây dựng dưới sự giúp đỡ của Nga. Theo Nga, việc xây dựng và hoạt động của nhà máy Bushehr hoàn toàn hợp pháp, không nằm trong số các cơ sở hạt nhân bị nghi vấn của Iran.
So với nội dung dự thảo nghị quyết, bổ sung dự thảo của Nga được xem là khá mềm mỏng, tránh dùng những từ được cho là “quá cứng rắn” đối với chương trình hạt nhân Iran. Chẳng hạn, đối với việc đưa plutonium vào các lò phản ứng nước nặng, trong khi dự thảo nghị quyết yêu cầu Iran “ngừng ngay” hoạt động này tại nhà máy Arak, bổ sung dự thảo của Nga chỉ “kêu gọi Iran xem xét lại” việc xây nhà máy. Tương tự, dự thảo nghị quyết yêu cầu Iran “thực hiện ngay và không chậm trễ” việc cho phép các thanh sát viên IAEA vào kiểm tra các cơ sở hạt nhân của Tehran, Nga chỉ “kêu gọi” Iran nên thực hiện việc này.
Trong bản bổ sung dự thảo của Mỹ trình lên HĐBA đầu tháng 11-2006, để “tranh thủ” Nga và kêu gọi sự ủng hộ của các thành viên khác, Washington đã miễn cưỡng thống nhất với dự thảo nghị quyết là lệnh cấm vận Iran sẽ không bao gồm nhà máy điện hạt nhân Bushehr.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ, ông John Bolton cho biết, quan điểm của các nước thành viên HĐBA về các biện pháp trừng phạt Iran rất khác biệt, khó dung hòa. Nhiều nước thành viên khác cũng thừa nhận, HĐBA đang bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề hạt nhân Iran. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận tìm kiếm tiếng nói chung giữa các thành viên vẫn sẽ được tiếp tục vào cuối tuần này.
|