Hồ sơ:
Tại sao nội chiến ở Sudan chưa chấm dứt
13:4', 19/11/ 2006 (GMT+7)

Hôm qua, ngày 18-11, tình trạng bất ổn ở Darfur (Sudan) lại tái diễn. Quân đội của chính quyền cùng với lực lượng dân quân Janjaweed đã tổ chức nhiều cuộc tấn công vào miền bắc Darfur. Theo Liên hiệp quốc, hành động này của chính phủ ông Omar al-Ba shir, tổng thống Sudan, đã vi phạm những thỏa thuận an ninh đã đạt được vài ngày trước đó. Viễn cảnh bình yên ở Sudan vừa quang đãng đã lại u ám...

 

Lực lượng gìn giữ hòa bình đang triển khai tại Darfur.

 

1.

Ngày 16-11, một ngày sau cuộc họp cấp cao do Liên hiệp quốc và Liên minh châu Phi (African Union-AU) bảo trợ diễn ra tại Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia để bàn về giải pháp cho cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài gần 4 năm ở Darfur (Sudan) và tình hình bạo lực ngày một gia tằng ở Chad, nước láng giềng của Sudan. Hội nghị này có tầm quan trọng đến đâu? Hãy nhìn vào thành phần tham dự cực kỳ hùng hậu sẽ thấy - đại diện 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Nhóm các nước nói tiếng Ảrập (Arab League), Cộng đồng châu Âu - EC , Congo, Gabon và Ai Cập...

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan cho biết Sudan đã đồng ý trên nguyên tắc để cho lực lượng hỗn hợp giữ gìn hòa bình của Liên hiệp quốc và Liên minh châu Phi được phép triển khai tại Sudan. Theo đó, binh lính trong lực lượng hỗn hợp sẽ được tuyển chủ yếu từ người châu Phi bản xứ. Tuy nhiên, Sudan vẫn chưa đồng ý về con số 20.000 quân (gồm 17.000 binh lính và 3.000 cảnh sát) mà Liên hiệp quốc dự kiến sẽ đưa đến Sudan để thay thế  lực lượng gìn giữ hòa bình 7.000 quân của Liên minh châu Phi vốn mỏng về quân số, thiếu thốn về hậu cần, khó khăn về tài chính và phương tiện vận chuyển hiện đang đóng tại Sudan.

Sudan đưa ra điều kiện - Liên hiệp quốc không được giữ quyền chỉ huy quân đội. Dù vậy, động thái nhượng bộ lúc đó của chính phủ ông al-Bashir, tổng thống Sudan, vẫn đáng được xem là một tín hiệu khả quan cho việc tìm kiếm một giải pháp tái lập hòa bình cho một trong những nước lớn nhất ở châu Phi. Điều này tưởng như sẽ mở ra một tia hi vọng cho tiến trình hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi cho những cuộc đàm phán song phương giữa chính phủ của ông Omar al-Bashir với 2 trong số 3 lực lượng nổi dậy vốn đã từ chối không chịu ký vào thỏa thuận ngừng bắn tháng 5-2006.

Cùng với diễn biến bất ngờ, Bộ trưởng Bộ Ngọai giao của Sudan, ông Lam Akol nay lại cho biết - Sudan chỉ chấp nhận sự  trợ giúp về mặt chuyên môn kỹ thuật của Liên hiệp quốc mà thôi. Cũng theo ông Lam Akol, sẽ không có một bóng quân lính nào của Liên hiệp quốc được có mặt tại Sudan.

2.

Sudan vốn chỉ vừa mới gượng dậy sau 21 năm dài nội chiến giữa người theo Hồi giáo ở miền Bắc và người theo đạo Thiên chúa ở miền Nam, cuộc chiến nồi da xáo thịt này đã cướp đi mạng sống của 1,5 triệu người.

Sudan với diện tích đất canh tác rộng lớn cùng nguồn tài nguyên vàng và trữ lượng dầu mỏ xếp thứ 3 ở lục địa đen nhưng lại gần như tan hoang, kiệt quệ vì những cuộc nội chiến liên miên.

Tính đến nay, khoảng 200.000 người đã bị giết chết và 2-3 triệu người dân Sudan buộc phải chạy sang nước láng giềng Chad để tị nạn.

Sau hai năm đàm phán ròng rã, căng thẳng, phía chính phủ và các lực lượng nổi dậy đã ký với nhau một thỏa thuận hòa bình tòan diện. Phe nổi dậy đã giành được quyền tự trị ở miền Nam Sudan và được hưởng nguồn lợi thu được từ dầu mỏ ngang bằng với miền Bắc.

Trong khi chính phủ và lực lượng nổi dậy ở miền Nam Sudan đang nhích từng bước đến hòa bình và Sudan chưa kịp hồi phục thì vào nằm 2003, các phe nổi dậy ở miền Tây Darfur bất mãn với chính sách của chính phủ ông al-Bashir và đòi được có quyền tự trị nhiều hơn. Lực lượng nổi dậy cho rằng họ chính phủ của ông al-Bashir đã lờ các quyền lợi mà lẽ ra địa phương của họ phải được hưởng. Vì vậy, họ phải đấu tranh để chống lại chế độ áp bức và chính sách phân biệt đối xử.

Tháng 1-2004, Khartoum điều quân đến miền Tây Darfur để đàn áp phiến quân. Theo Liên hiệp quốc, vào tháng 03/2004, lực lượng vũ trang “Janjaweed” thân Ả rập đã tiến hành hàng lọat cuộc thảm sát, cướp bóc và cưỡng hiếp dân thường châu Phi ở Darfur. Trước tình hình đó, vào tháng 9-2004, Liên hiệp quốc đã kêu gọi chính quyền Sudan chấp nhận sự giúp đỡ từ bên ngòai nhằm mục đích bảo vệ dân thường. Trong khi đó Mỹ cho rằng, chính phủ của ông Bashir đã hậu thuẫn cho lực lượng dân quân Janjaweed tiến hành các cuộc thảm sát ở Darfur và gọi đây là tội ác diệt chủng.

Mãi cho đến tháng 1-2005, chính phủ Sudan và phe nổi dậy mới đạt được thỏa thuận hòa bình, theo đó hai bên đồng ý ngừng bắn vĩnh viễn và cùng chia sẻ lợi ích kinh tế cũng như quyền lực. Nhưng ngược lại với thỏa thuận đạt được trên giấy, tình hình chiến sự ở Sudan càng lúc càng căng thẳng. Tháng 3-2005, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã tổ chức họp với mục đích lập ra danh sách tội phạm chiến tranh ở Darfur nhằm đưa ra xét xử tại Tòa án tội phạm quốc tế.

Vào tháng 5-2006, chính quyền Khartoum lại tìm cách đạt được những thỏa thuận mới với các lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, chỉ có một nhóm quân nổi dậy chính tên là Phong trào Giải phóng Sudan chịu ngồi vào bàn đàm phán và ký kết trong khi hai nhóm nhỏ còn lại cho đến nay vẫn kiên quyết phản đối khiến cho nội chiến vẫn tiếp tục kéo dài dai dẳng. Một lần nữa, Mỹ và nhiều nước phương Tây lại tiếp tục lên tiếng đòi Sudan phải đồng ý để cho liên quân của Liên hiệp quốc được phép triển khai tại Sudan.

3.

Một thường dân Sudan bị sát hại.

Cho đến trước thời điểm diễn ra cuộc họp tại Addis Ababa,  Sudan vẫn cương quyết không chịu nhượng bộ  trước sức ép của Liên hiệp quốc, Mỹ và các nước phương Tây đòi đưa quân đến Sudan vì lo sợ bị mất chủ quyền. Chính phủ ông al-Bashir cho rằng chấm dứt nội chiến là công việc nội bộ của riêng Sudan, không cần đến sự trợ giúp của Liên hiệp quốc. Sudan e rằng mình có nguy cơ trở thành một Iraq thứ hai, thậm chí còn tệ hại hơn.

Cái vỏ mà nhiều nước đang nhân danh ấy là vấn đề nhân quyền. Nhưng thực chất cái lõi sâu xa của sự nhiệt tình can thiệp vào Sudan thực chất chính là tìm cách gây ảnh hưởng lên nguồn lợi dầu mỏ, vàng... của quốc gia này. Bởi lẽ hiện nay, hàng triệu người dân Sudan cần lương thực, thuốc men, cần được bảo vệ sinh mạng, không phải chạy loạn liên miên chứ không phải, ít ra là chưa phải là "nhân quyền vu vơ".

Trong số những nước đang tạo ảnh hưởng của mình tại Sudan. Trung Quốc, Pháp và một số nước châu Á khác là những quốc gia tích cực nhất. Hiện nay, Trung Quốc là nước cung cấp viện trợ lớn nhất cho Sudan. Vì vậy, chẳng có gì khó hiểu khi Trung Quốc được tạo điều kiện thuận lợi để mở một tập đòan khai thác dầu mỏ hùng mạnh tại Sudan họat động song song với tập đoàn Total Efgaz của Pháp.

Bên cạnh việc nhận viện trợ chủ yếu từ Trung Quốc, Sudan vẫn cần và đang kêu gọi các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước phương Tây viện trợ nhiều hơn nữa cho Sudan. Trong khi nội bộ vẫn còn lục đục về phân chia lợi ích tài nguyên, lại phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài như vậy, người ta e rằng còn lâu Sudan mới thực sự làm chủ được tình thế, tự tái lập và gìn giữ một nền hòa bình cho chính mình. 

Vì thế, tiến trình hòa bình ở Sudan chỉ thôi mong manh một khi những vấn đề then chốt kể trên khai thông. Ngược lại, dẫu Sudan có chấp nhập toàn bộ các yêu cầu của hội nghị do Liên hiệp quốc và Liên minh châu Phi đưa ra thì nội chiến cũng không vì thế mà chấm dứt.

  • Tố Uyên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nga: Tiêu diệt một thủ lĩnh ly khai Chechnya  (19/11/2006)
Lebanon: UNIFIL phát hiện nhiều vũ khí ở miền nam  (19/11/2006)
Iraq trước bờ vực xung đột tôn giáo  (17/11/2006)
Indonesia mua 1 tỉ USD vũ khí của Nga  (17/11/2006)
Thượng viện Mỹ xem xét bổ sung thỏa thuận hạt nhân với Ấn Ðộ  (17/11/2006)
Trung Quốc, Nhật Bản thành lập nhóm nghiên cứu chung về lịch sử  (17/11/2006)
IAEA không chắc vì hòa bình  (17/11/2006)
Tổng thống H.Chavez vẫn chiếm ưu thế  (17/11/2006)
Thái Lan sẽ dỡ bỏ thiết quân luật vào tháng 12 tới  (16/11/2006)
Pakistan thử nghiệm tên lửa tầm trung  (16/11/2006)
Thái Lan: Nhiều người dân ở miền Nam phải tản cư  (16/11/2006)
CHDCND Triều Tiên sẽ cứng rắn hơn tại vòng đàm phán tới  (16/11/2006)
Động đất ngoài khơi Thái Bình Dương, Nga-Nhật phát cảnh báo sóng thần  (16/11/2006)
Cuộc đua cho vị trí ứng viên Tổng thống Mỹ 2008  (16/11/2006)
Thủ đô Bangladesh tiếp tục tê liệt vì biểu tình  (15/11/2006)