|
Tổng thống Pakistan Musharraf (trái) sát vai cùng Thủ tướng Anh Tony Blair (phải) trong cuộc chiến chống khủng bố. |
Chuyến công du lần thứ ba của thủ tướng Anh Tony Blair đến Pakistan vào hôm qua, ngày 19-11, đã cho thấy tầm quan trọng của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố như thế nào và chẳng phải ngẫu nhiên mà Anh xem Pakistan như là một đồng minh quan trọng.
Là một nước có đường biên giới chung với Afganistan, nhiều đoạn thuộc địa hình núi non hiểm trở nơi các phần tử khủng bố al-Qaeda đang ẩn náu và hoạt động, Pakistan được đánh giá là có một vị trí địa lý bàn đạp chiến lược cho chiến dịch tấn công và truy quét al-Qaeda của liên minh Anh-Mỹ tại Afganistan.
Ngoài ra, ở Pakistan cũng còn nhiều nhóm phiến quân Hồi giáo vốn rất thân và thường giúp đỡ cho al-Qaeda xâm nhập qua biên giới của Pakistan hiện vẫn còn chưa bị đánh bại. Hiện nay, tình hình chiến sự ở Afganistan, đặc biệt là ở khu vực phía Đông và phía Nam giáp biên giới Pakistan, đang trở nên hết sức căng thẳng và vấn đề tái thiết lập lại trật tự cho Afganistan đóng vai trò vô cùng then chốt đối với an ninh trong khu vực. Sự bất ổn này là đất sống của các nhóm khủng bố, và chúng có thể biến Pakistan thành đầu cầu đầu tiên xâm nhập vào châu Âu, và Anh là địa chỉ được ưa chuộng.
Hơn nữa, ở Pakistan có hơn 10.000 trường Hồi giáo vốn được coi là cái nôi của các thành phần có tư tưởng cực đoan. Đây thực sự là mối đe dọa đối với Anh vì phần lớn các cuộc đánh bom khủng bố tại Anh hầu hết đều liên quan đến người Anh gốc Pakistan và tất cả những phần tử khủng bố này đều được đào tạo từ các trường Hồi giáo ở Pakistan.
Chỉ tính riêng trong tháng 7-2006, trong số bốn vụ đánh bom ở Anh, hết ba vụ là do người Anh gốc Pakistan vốn tốt nghiệp từ các trường Hồi giáo của Pakistan thực hiện. Thủ tướng Blair cho biết quân đội Anh đang nỗ lực triển khai một chiến lược chống khủng bố dài hạn kết hợp tăng cường an ninh với đẩy mạnh tái thiết nhằm ngăn chặn việc công dân Anh gốc Pakistan trở thành những phần tử khủng bố.
Nếu đặt một dấu nối sẽ thấy, các chiến dịch chống khủng bố từ xa, ngay tại nơi xuất phát của nó - Afganistan, Anh và Mỹ phải tranh thủ sự hợp tác tích cực của Pakistan. Bởi thế dù muốn dù không, đối với Pakistan, Anh và Mỹ vẫn phải “giơ cao đánh khẽ”. Một trong những bằng chứng là dù phát hiện ra A. Q. Khan, một nhà khoa học hàng đầu của Pakistan,cung cấp tài liệu kỹ thuật chế tạo vũ khí hạt nhân cho Iran, CHDCND Triều Tiên và Libya nhưng Mỹ vẫn bấm bụng bỏ qua.
Còn Anh, trong một bản báo cáo hồi tháng 9-2006, đã cho rằng cơ quan tình báo của Pakistan, ISI, đã gián tiếp hỗ trợ Taliban và al-Qaeda. Tuy nhiên, trong cuộc hội đàm tại Lahore ngày hôm qua, ông Blair lại xác nhận - bản báo cáo đó không thể hiện quan điểm của chính phủ Anh.
Trong cuộc hội đàm với ông Blair, ông Musharraf nhấn mạnh NATO, trong đó có Anh, cần thay đổi đường lối hành động của mình ở Afganistan. Thay vì chỉ sử dụng sức mạnh quân sự, Nato cần giúp cho Afganistan ổn định chính trị và vực dậy nền kinh tế bị lãng quên bấy lâu nay. Đồng thời, ông Musharraf cũng kêu gọi viện trợ cho Pakistan.
Thế là đã rõ, Pakistan xuất hiện trong bối cảnh không phải với nhân vật phụ mà giữ vai chính, thậm chí còn khá tích cực. Cũng cần nhắc lại một chút là trong những năm trước, chính Mỹ muốn một nhân vật khác, "dễ bảo" hơn ông Musharraf lên nắm quyền ở Pakistan. Nhưng sau khi cân nhắc, chính Mỹ cũng thấy rằng, nếu không phải là ông Musharraf nhiều khả năng Pakistan sẽ không ổn định như hiện tại. Nên đành thôi.
Nay bối cảnh vẫn chưa thay khác, nên Thủ tướng Blair đã cam kết sẽ tăng gấp đôi khoản viện trợ phát triển của Anh cho Pakistan. 480 triệu bảng Anh (tức khoảng 960 triệu USD) sẽ được rải đều trong 3 năm cho chương trình cải cách giáo dục được phát động cách đây 2 năm của ông Musharaff với mục tiêu chống lại sự ảnh hưởng của các trường Hồi giáo còn 8 triệu bảng Anh là để đào tạo kỹ thuật chống khủng bố cho Pakistan.
Nhà lãnh đạo của hai nước đã đạt được thống nhất trong tăng cường hợp tác chống khủng bố và ông Blair đã rời Pakistan để tiếp tục chuyến công du sang Afganistan.
Người ta không lạ lẫm gì những thao tác của Anh, câu hỏi đặt ra tiếp theo là - Sắp tới đây, Mỹ sẽ làm gì, liệu họ có làm "tốt hơn" người Anh không?
|