|
Tổng thống Bush trò chuyện với một nhân viên tại sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM ngày 20-11. Châu Á quan tâm đến phát triển kinh tế hơn cuộc chiến chống khủng bố. Ảnh: AP |
Sau ba năm kể từ ngày phát động cuộc chiến ở Iraq, Mỹ nhận ra khủng bố không còn là mối quan tâm hàng đầu của các nước đồng minh ở châu Á.
Bài phân tích đăng trên The New York Times ngày 22-11 nhận định rằng chuyến công du châu Á vừa qua của Tổng thống George W.Bush cho thấy chính sách chống khủng bố của Mỹ đang dần mất thế thượng phong.
Cách đây ba năm, Tổng thống Bush đến châu Á chỉ vài tháng sau khi Baghdad sụp đổ với lời kêu gọi các nước rót tiền và sức lực tái thiết Iraq. Ông cho rằng Iraq sẽ có tác động đến những nước như CHDCND Triều Tiên và Iran, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Á bắt tay với Mỹ trong việc định hình lại thế giới.
Giờ đây, chiến lược của ông Bush trong chuyến công du châu Á vừa rồi đã thay đổi. Các sáng kiến tỏ ra ôn hòa hơn, những lời kêu gọi chống khủng bố cũng lặng lẽ hơn.
Câu hỏi đặt ra là tại sao?
Có lẽ đó là một biểu hiện cho thấy siêu cường Mỹ đã thấm mệt và các quốc gia khác bắt đầu nhận thấy mình được “tháo tròng”. Ý kiến khác cho rằng chính quyền Bush bắt đầu nhận ra thực tế là các đồng minh châu Á của Mỹ đang đi theo hướng hoàn toàn khác với Washington! Iraq không phải là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở những nước mà ông Bush viếng thăm lần này.
Điều mà họ bận tâm là làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Các nước châu Á đã quá ngán ngẩm với kiểu bài tập về nhà này rồi. Họ bắt đầu tổ chức hội nghị thượng đỉnh cho riêng mình, một hội nghị mà Mỹ không giữ vai trò chính, để trở lại các vấn đề thương mại mà họ cho là trọng tâm” - ông Michael Green, cựu chuyên gia khu vực châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nhận xét. Theo ông, một số người trong chính quyền Bush nhận ra rằng Mỹ quá sa đà vào khủng bố và an ninh, đã đến lúc đưa tổng thống trở về với chính sách thương mại.
Vì vậy, thay vì nhấn mạnh việc tìm kiếm những tên khủng bố Al Qaeda ở Indonesia hay Abu Sayyaf ở Philippines, lần này ông Bush đã nói về mục tiêu dài hạn: thiết lập khu vực tự do thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương.
Nhà Trắng phủ nhận ý kiến cho rằng thất bại ở Iraq đã hạn chế ảnh hưởng của Mỹ đến khu vực Đông Nam Á. Nhưng những gì mà Tổng thống Bush thể hiện trong chuyến công du này cho thấy rõ ràng Mỹ đang lo lắng. “Mỹ sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng ở châu Á, vì lợi ích của chúng tôi phụ thuộc vào sự mở rộng tự do và cơ hội ở khu vực này” - Tổng thống Bush phát biểu khi đến Singapore. Với thông điệp này, ông Bush ngầm gửi lời cảnh báo về quê nhà, đến một quốc hội mà ông không còn nắm quyền kiểm soát kể từ tháng một năm sau: nếu cứ sa đà vào chiến lược cô lập, ngôi vị bá chủ sẽ không còn thuộc về Mỹ nữa. Thông điệp đó còn nói lên một điều: nếu Mỹ rút lui, Trung Quốc, Ấn Độ và những nước khác sẽ giành phần thắng.
Không phải châu Á hoàn toàn thờ ơ với tình hình chính trị đang diễn ra. Họ cũng quan tâm đến vấn đề của CHDCND Triều Tiên. Nhưng dù có theo dõi xem vấn đề Bình Nhưỡng sẽ được giải quyết như thế nào, thì các nước châu Á vẫn đặt trọng tâm phát triển bền vững lên ưu tiên hàng đầu. Như lời khẳng định của một cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ: “Ngày nay khi đến một hội nghị ở châu Á, bạn sẽ chẳng bao giờ nghe nhắc đến những vấn đề an ninh nữa! Với người châu Á, thế giới bây giờ là một nơi thật tuyệt, và họ đang phát triển với một tốc độ cao chưa từng thấy”.
. Theo TTO, AP |