Theo giới quan sát, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đang và sẽ có nhiều thay đổi lớn sau các chuyến công du liền mạch đến 4 nước Lào, Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan của Tổng bí thư - Chủ tịch nước CHDCND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào.
|
Tổng bí thư - Chủ tịch nước CHDCND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào tại cuộc họp thượng đỉnh Trung Quốc-EU vào tháng 5-2005. Ảnh: People’s Daily Online
|
1 .
Có vẻ như tranh thủ Mỹ, Nga đang lo chống khủng bố, ổn định tình hình trong nước, Trung Quốc đã tìm cách chứng tỏ họ thực sự giữ vai trò quan trọng trên chính trường quốc tế, là không chỉ qua tốc độ phát triển kinh tế vũ bão. Trung Quốc ngày nay năng động và muốn tạo được ảnh hưởng lớn hơn không chỉ trong khu vực châu Á mà còn vươn về phía châu Phi và vùng Mỹ La tinh xa xôi.
Và trước tiên, Bắc Kinh duy trì sự ổn định chính trị cần thiết làm nền tảng cho chiến lược phát triển kinh tế bằng cách củng cố quan hệ tốt đẹp với láng giềng, đặc biệt là những người “hàng xóm” như Việt Nam, Lào, Ấn Độ và Pakistan.
2.
Tuy không phải là người cầm trịch trong hội nghị APEC 14 vừa qua diễn ra tại Việt Nam nhưng ông Hồ Cẩm Đào vẫn được đánh giá là người bận rộn nhất trong hội nghị. Thực vậy, đến Việt Nam tham dự APEC 14 ngoài tư cách như những thành viên khác, Bắc Kinh đã tích cực tham gia bàn việc thành lập khu mậu dịch tư do châu Á-Thái Bình Dương để tăng cường khả năng cạnh tranh trên đấu trường kinh tế thế giới dù trong thâm tâm Trung Quốc cổ xúy cho mục tiêu thành lập khu mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN nhiều hơn (nguồn: BBC).
Thật ra cũng có không có gì là lạ bởi trong quan hệ với ASEAN, Trung Quốc là đối tác lớn thứ tư sau Mỹ, Nhật và EU. Ngược lại, ASEAN cũng là đối tác lớn thứ tư của Trung Quốc. Bằng việc tích cực hợp tác toàn diện với “con hổ nhỏ Việt Nam” Trung Quốc muốn giới thiệu một gương mặt mới của mình - Bắc Kinh không phải là một mối đe dọa về kinh tế lẫn quân sự. Ngược lại, Bắc Kinh là đối tác tốt, có thể hợp tác phát triển bền vững để hai bên cùng có lợi. Trung Quốc cùng giới thiệu gương mặt tương tự với Lào, người anh em thân thiết của Việt Nam.
3.
Khác với Việt Nam, Lào, các nước như Ấn Độ, Pakistan là những quốc gia có nền kinh tế lớn hơn. Chuyến công du của ông Hồ Cẩm Đào đến Ấn Độ cũng nhằm tìm ra lời giải tối ưu cho bài toán kinh tế - chính trị của hai nước đông dân nhất nhì thế giới.
Kim ngạch song phương Trung Ấn đã tăng lên đáng kể trong vài năm trở lại đây (đạt 20 tỷ USD trong năm 2006 và hi vọng sẽ tăng gấp đôi đến năm 2010). Trước sức ép rất lớn từ nhu cầu cần nguyên liệu thô để phát triển kinh tế, Trung Quốc cần đến Ấn Độ như là một đối tác không thể thiếu. Ngược lại, Ấn Độ cũng phải bắt tay với Trung Quốc vì cần đến nguồn chuyên gia có chất xám cao và bí quyết công nghệ kỹ thuật trong ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc.
|
Công nhân Trung Quốc đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước châu Phi như Madagascar.
|
Hai nền kinh tế lớn của châu Á đã tạm gác lại những tranh chấp dai dẳng về lãnh thổ, tài nguyên năng lượng và quân sự để cùng nhau bàn bạc quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi. Bắc Kinh một mặt giữ thái độ hợp tác mềm dẻo với New Delhi nhưng mặt khác vẫn không quên tăng cường củng cố quan hệ hợp tác chiến lược truyền thống với Islamabad.
Trong bài diễn văn của mình khi vừa tới sân bay của Pakistan, đáp lại sự đón tiếp trọng thị của tổng thống Pakistan Musharraf, ông Hồ Cẩm Đào đã không tiếc lời ca ngợi Pakistan là một người láng giềng, người bạn và là đối tác tốt. Thương mại mậu dịch giữa hai nước tăng trưởng mỗi năm ở tốc độ khá nhanh (33%) và thương mại mậu dịch song phương giữa Trung Quốc và Pakistan đã vượt qua mức 4 tỉ USD vào năm ngóai.
10 năm trở lại đây, Trung Quốc và Pakistan đã ký kết với nhau nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực trọng yếu của cả hai bên như thủy điện, nhiệt điện, giao thông vận tải, viễn thông, khai thác tài nguyên, dệt, xây dựng, nông nghiệp. Để tránh mích lòng Ấn Độ, Trung Quốc đã âm thầm giúp đỡ Pakistan phát triển chương trình hạt nhân. Đáp lại, Pakistan luôn ủng hộ Trung Quốc trên chính trường quốc tế và những vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tây Tạng cùng những vấn đề về nhân quyền, chống khủng bố, chống chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan. Ngoài ra Pakistan cũng là nước cung cấp nguồn dầu mỏ quan trọng cho Trung Quốc (nguồn BBC).
4.
Như vậy, sau cái bắt tay khá chặt với Venezuela, sau cam kết tăng mức viện trợ cho Liên minh châu Phi (AU) lên tới 2 tỷ USD, hình ảnh Trung Quốc đã hấp dẫn hơn ở vùng trững của thế giới.
Nay, tại vùng kinh tế năng động bậc nhất thế giới, châu Á - Thái Bình Dương, chính sách kinh tế - ngoại giao của Trung Quốc đã mềm mại và uyển chuyển hơn. Chưa bao giờ người Hoa nói nhiều đến mục tiêu phát triển bền vững, hai bên cùng có lợi như thời gian gần đây. Khi nghĩ về Trung Quốc, Napoleon vĩ đại đã nói - Đừng đánh thức con rồng phương Đông đó dậy... Nay, tự mình, Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
|