|
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp trả lời các nhà báo hôm 5-12 tại Paris. |
Sáu cường quốc đã đạt được tiến bộ lớn song không nhất trí được về một nghị quyết của LHQ trừng phạt Iran sau các cuộc hội đàm ở Paris hôm 5-12. Tehran đã đe dọa trả đũa nếu các cường quốc lựa chọn áp đặt các biện pháp trừng phạt.
''Chúng tôi đã đạt được tiến bộ lớn về mức độ của các biện pháp trừng phạt nhằm vào các hoạt động hạt nhân nhạy cảm. Vẫn còn một số vấn đề mà chúng tôi sẽ xem xét trong vài ngày tới. Hiện giờ chúng tôi đã gần hoàn tất tiến trình này'', Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố.
Các cuộc hội đàm hôm 5-12 đã thu hút các nhà ngoại giao từ Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp và Nga (các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ) cùng với Đức và Ngoại trưởng EU Javier Solana. Mỹ và Pháp hy vọng các bên sẽ nhất trí về các biện pháp trừng phạt Iran tại các cuộc hội đàm này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov trước đó đã nói rằng áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh đối với Iran sẽ là ''vô trách nhiêm''.
Hôm 5/12, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã thề sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân và đe dọa giảm cấp quan hệ với EU nếu các nhà đàm phán châu Âu lựa chọn các biện pháp trừng phạt mạnh. EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Iran.
Hội đồng Bảo an LHQ đã bất đồng về cách trừng phạt Iran sau khi nước này không ngừng chương trình làm giàu uranium vào hạn chót 31/8 theo yêu cầu của LHQ. Các cường quốc phương Tây cáo buộc Iran đang nỗ lực sản xuất bom hạt nhân trong khi Tehran quả quyết Iran chỉ muốn sản xuất năng lượng hạt nhân.
Châu Âu và Mỹ muốn các biện pháp trừng phạt cứng rắn. Nga và Trung Quốc muốn thúc đẩy đối thoại. Một dự thảo nghị quyết do châu Âu soạn thảo hồi tháng 10 yêu cầu mọi quốc gia cầm cung cấp các nguyên liệu và công nghệ có thể trợ giúp các chương trình hạt nhân và lửa của Iran.
Ông Lavrov nói rằng Nga ủng hộ các biện pháp đó. Tuy nhiên, Nga nhất mực phản đối việc áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với các công ty, cá nhân hoặc tổ chức liên quan tới các chương trình này.
Kristen Silverberg, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, đã thúc giục Nga và Trung Quốc ủng hộ các đề xuất của châu Âu. ''Chúng tôi nghĩ đã tới lúc Nga và Trung Quốc chấp nhận dự thảo của châu Âu'', Silverberg nói tại Berlin.
Dự thảo nghị quyết sẽ loại trừ một nhà máy điện hạt nhân do Nga xây dựng tại vùng Bushehr ở Iran song không loại trừ nhiên liệu hạt nhân cần cho lò phản ứng này. Nga đã đề nghị những sửa đổi lớn để hạn chế mọi lệnh cấm đi lại, phong tỏa tài sản hay đề cập tới Bushehr.
. Theo AP |