|
Một nhóm phiến quân Abu Sayyaf. |
Các cơ quan an ninh Đông Nam Á đã vượt qua những ngại ngần, nghi kỵ và bắt đầu hợp tác chặt chẽ với nhau trong cuộc chiến chống khủng bố.
Minh chứng đầu tiên cho thấy bước tiến mới trong việc hợp tác giữa các nước là các quan chức tình báo Malaysia đã đồng ý để phía Philippines tiếp cận một đối tượng có liên quan tới Abu Sayyaf vừa bị nước này bắt giữ. Abu Sayyaf là tổ chức khủng bố khét tiếng đã phát động phong trào nổi dậy tại tỉnh phía nam Mindanao của Philippines.
Mahadhatta Asagal Haipe, được tình báo khu vực cho là ''tham mưu trưởng'' của Abu Sayyaf, bị bắt cách đây hơn một tháng ở khu vực ngoài khơi Sabah.
Một quan chức cấp cao của Philippines nói, giới tình báo nước này sẽ tới Malaysia trong vài tuần tới để thẩm vấn Mahadhatta. Vụ Mahadhatta bị bắt giữ không được công khai, diễn ra vài tháng sau khi một thành viên của nhóm Abu Sayyaf là Borhan Mundus bị bắt.
Trong một vụ việc khác, quan chức Philippines đã chuyển giao cho phía Indonesia vợ của Dulmatin, tội phạm đang bị Indonesia truy nã thuộc mạng lưới Jemaah Islamiyah. Nhân vật này đóng vai trò chủ chốt trong vụ đánh bom Bali năm 2002 làm hơn 200 người thiệt mạng.
Hôm thứ hai (4-12), Dulmatin tiếp tục xuất hiện trên danh sách những tên khủng bố bị truy nã của Washington. Thứ năm tuần trước, Istiada Oemar Sovie - nhân vật bị cơ quan an ninh Philippines bắt giữ hồi tháng 10, đã được dẫn độ tới Indonesia.
Kể từ ngày 11-9-2001, các tổ chức khủng bố ở Đông Nam Á như Jemaah Islamiyah và Abu Sayyaf đã nổi lên như những nhóm quân chủ chốt trong mạng lưới khủng bố Hồi giáo toàn cầu có liên quan tới Al Qaeda. Sự lớn mạnh của các tổ chức này khiến thế giới phải tập trung vào Đông Nam Á và xem xét các chính phủ trong khu vực giải quyết vấn đề khủng bố như thế nào.
Một số chính phủ trong khu vực đang bị chỉ trích vì thiếu hợp tác, một phần do vướng mắc bắt nguồn từ căng thẳng song phương. Malaysia, quốc gia với phần đông dân Hồi giáo là một ví dụ, nước này thường bị buộc tội cấp nơi trú ẩn cho những kẻ nổi loạn từ nam Thái Lan và Philippines.
Tuy nhiên, sau nhiều thập niên ngại ngần và nghi kỵ lẫn nhau, các nước đã bắt đầu chia sẻ thông tin và cho phép đối tác tiếp cận những tên khủng bố đã bị bắt. Về mặt này, sự hợp tác giữa Malaysia và Philippines đã giúp các cơ quan tình báo quốc tế phá các hoạt động của nhóm Abu Sayyaf.
. Theo StraitsTimes, Star Allience |