Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trước sức ép về dân số, rất nhiều nước ở châu Âu đã và đang quyết định tăng độ tuổi bắt đầu nghỉ hưu của người lao động.
Đức và Anh đã quyết định tăng độ tuổi nghỉ hưu đến 67, 68 tuổi. Quyết định này đã tạo ra phản ứng dây chuyền ở châu Âu. Tại Bồ Đào Nha, dự luật cải cách tuổi về hưu sẽ được bỏ phiếu vào tháng 1-2007, dự kiến tuổi bắt đầu về hưu của người lao động sẽ là từ 65 đến 66 tuổi vào năm 2017.
Tại Đan Mạch, tuổi về hưu sẽ tăng từng bước từ 65 đến 67 tuổi bắt đầu từ năm 2019. Các nước Đông Âu cũng đang xem xét, dự kiến trong vòng 10 năm tới, sẽ kéo dài thời gian làm việc của người lao động đến 62-63 tuổi. Còn ở Ý, các cuộc thảo luận về tuổi nghỉ hưu sẽ bắt đầu từ tháng 1-2007.
Một số nước khác như Pháp và Tây Ban Nha áp dụng chế độ khuyến khích người đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục ở lại làm việc lâu hơn trong trường hợp có thể: mức lương hưu sẽ tăng 2% với những người nghỉ hưu sau tuổi 65.
Tại Phần Lan, chế độ khuyến khích cho phép người về hưu trong độ tuổi từ 63 đến 68 có thêm một phần thu nhập và phạt những người về hưu trước tuổi 63. Ở Thụy Điển, độ tuổi về hưu được xem xét một cách linh hoạt, bắt đầu ở tuổi 61.
Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) đang đặt mục tiêu có 50% người lao động trong độ tuổi từ 55-65 làm việc vào năm 2010. Tỉ lệ này trong EU hiện ở mức 41%, trong đó tỉ lệ ở Pháp là 37,3%. Theo giới quan sát, tuổi về hưu của người lao động sẽ có sự điều chỉnh đa dạng, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.
. Theo TTXVN
|