Trong khi cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm đi thì một cuộc chạy đua mới đang rầm rộ và mang hơi hướng của thời đại điện tử: nước nào cũng có kênh truyền hình quốc tế bằng tiếng Anh dù đó không phải là quốc ngữ của họ.
CNN có đối thủ
Pháp vừa cho ra đời France 24 với tham vọng cạnh tranh với CNN International, BBC World và al-Jazeera. Ý tưởng về một kênh thông tin quốc tế của Pháp đã xuất hiện cách đây nhiều năm khi tình hình tại Iraq đang rất nóng bỏng thì dường như chỉ có máy quay phim của CNN theo sát sự kiện này. Tiếp đó, sự tranh cãi giữa Mỹ và Pháp về cuộc chiến tại Iraq càng làm tăng thêm sự cần thiết phải tỏ rõ quan điểm của Pháp trong chính sách quốc tế. Với ngân sách 80 triệu euro mỗi năm, ngày 6.12.2006, France 24 đã phát sóng từ trường quay của mình tại Issy-les-Moulineaux thuộc miền nam Paris.
Với 170 phóng viên song ngữ (Pháp-Anh hoặc Pháp-Ả Rập) và 50 kỹ thuật viên, đội ngũ nhân sự của France 24 cũng ngang ngửa với BBC vốn có 250 nhân viên. Phát 24 giờ/ngày liên tục 7 ngày trong tuần, France 24 chú trọng các chương trình tranh luận xã hội đồng thời tô đậm các chương trình về nghệ thuật sống kiểu Pháp bên cạnh tin thời sự trong nước, quốc tế, kinh tế, thể thao, phóng sự... Với phương châm "A French Eye on the World" tạm dịch "Thế giới qua cái nhìn của người Pháp" và khẩu hiệu "Beyond the news" (Trên cả tin tức), France 24 dự kiến thu hút 250 triệu khán giả một khi nó được phát sóng tại 90 nước ở cả châu Âu, châu Phi, Trung Đông và vài thành phố lớn ở Mỹ.
Để dễ cạnh tranh, France 24 coi tiếng Anh như "ngôn ngữ mẹ đẻ" và có kế hoạch tung ra phiên bản bằng tiếng Ả Rập vào năm 2007. Tháng 11 vừa qua, al-Jazeera - kênh truyền hình quốc tế tiếng Ả Rập của Qatar - cũng cho ra mắt thêm một kênh phát hoàn toàn bằng tiếng Anh. Iran cũng đang làm việc ráo riết để cho ra đời kênh truyền hình quốc tế của mình với tên gọi là "Press". Những kênh truyền hình quốc tế phát bằng tiếng Anh của các nước cho thấy một xu hướng mới có lợi cho nhân loại, trong đó mọi người có cơ hội tiếp cận với thông tin một cách đa chiều vì nó được phát bằng tiếng Anh - ngôn ngữ thông dụng quốc tế.
Các nước châu Á lên tiếng
Cuộc chạy đua truyền thông ngày càng sôi động với sự xuất hiện của các đại diện châu Á, nổi bật là Channel News Asia (CNA) của một công ty trực thuộc Chính phủ Singapore. Sức lan tỏa của CNA trên các châu lục đã trở thành thách thức đối với phương Tây. Một đại diện khác là CCTV9 của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng thành công trên cả mong đợi.
Từ một kênh truyền hình phát bằng tiếng Anh để làm phương tiện học ngoại ngữ cho người dân và là cửa sổ đưa Trung Quốc hướng ra thế giới, năm 1986, một kênh truyền hình phát bằng tiếng Anh được chính thức đưa vào hoạt động với phạm vi trong nước có tên gọi là CCTV2. Đến năm 1993, CCTV đã biến kênh này thành kênh toàn cầu và đổi tên là CCTV4. Lúc đó vừa phát tiếng Trung vừa tiếng Anh. Đến năm 2000, CCTV chính thức hoàn thiện phần tiếng Anh của kênh này và lấy tên là CCTV9.
Thật ra, nhiều nước đã có kênh truyền hình quốc tế như Nhật Bản với Nippon Hoso Kyokai (NHK), Hàn Quốc có Arirang, Đức có DW, Ý có Rai International... với thời lượng phát sóng cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh nhưng hầu như chưa là đối thủ của những "cây đại thụ" trong giới truyền thanh, truyền hình như CNN của Mỹ và BBC World của Anh. Dù sao sự xuất hiện các kênh truyền hình quốc tế bằng tiếng Anh sẽ đem đến cho người xem nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, với mức phí dịch vụ truyền hình hiện nay thì lại tốn kém quá.
. The Economist, MarketWatch |