|
Nga đã nhận được số lượng đơn đặt hàng mua vũ khí rất lớn và leo lên vị trí dẫn đầu về xuất khẩu vũ khí cho các nước đang phát triển. |
Thời gian gần đây, Nga đã nhận được số lượng đơn đặt hàng mua vũ khí rất lớn và leo lên vị trí dẫn đầu về xuất khẩu vũ khí cho các nước đang phát triển. Điều này cho thấy cường quốc quân sự này đang từng bước lấy lại vị thế của mình.
Theo báo cáo được Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS) công bố hồi tháng 11, Nga đã ký kết các hợp đồng bán vũ khí với giá trị 7 tỉ USD, tương đương 23,2% tổng số các hợp đồng bán vũ khí cho các nước đang phát triển trong năm 2005. Pháp đứng thứ nhì với 6,3 tỉ USD (20,9%) và Mỹ đứng thứ ba với 6,2 tỉ (20,5%).
Trong năm nay, Nga giành được số lượng đơn đặt hàng kỷ lục chỉ riêng ở thị trường châu Á. Trong đó, Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất với số lượng vũ khí mua chiếm gần phân nửa tổng số vũ khí Nga bán cho nước ngoài. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, đến 95% số vũ khí mà Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ Nga. Hiện nay, Nga đang tiến hành những cuộc đàm phán cuối cùng với Trung Quốc để bán cho nước này 50 máy bay chiến đấu Su-33 có giá lên đến 2,5 tỉ USD. Nếu đàm phán thành công, đây sẽ là thương vụ có giá trị cao thứ nhì trong các hợp đồng xuất khẩu vũ khí của Nga từ trước đến nay. Hợp đồng cao nhất là giữa Nga với Ấn Độ, có trị giá 3 tỉ USD. Theo thỏa thuận này, từ năm 2004 đến 2014, Nga sẽ nhượng quyền cho Ấn Độ lắp ráp 140 máy bay Su-30MKI. Giới chức Nga đã mạnh dạn tuyên bố rằng Moscow không sợ mất thị trường Trung Quốc một khi Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán vũ khí đã áp đặt cho nước này từ năm 1989.
Ấn Độ cũng là một trong những "mối ruột" của Nga. Từ những năm 60 của thế kỷ trước đến nay, Ấn Độ đã mua của Nga (và Liên Xô) số lượng vũ khí trị giá 33 tỉ USD. Hải quân Ấn Độ ngay từ sớm cũng đã dùng hàng nhập từ Nga. Vũ khí của Nga chiếm gần 3/4 kho vũ khí của đất nước Nam Á này. Không chỉ mua vũ khí, Ấn Độ cũng hợp tác với Nga chế tạo một loại chiến đấu cơ mới và sản xuất tên lửa hành trình Brahmos có tầm bắn 300 km. Loại tên lửa này được sản xuất dựa trên hỏa tiễn chống hạm Yakhont của Nga. Các quốc gia khác ở châu Á cũng rất "quan tâm" đến vũ khí Nga như Singapore, Thái Lan, Malaysia... Trong khi đó, Iran đang có tiềm năng trở thành bạn hàng lớn thứ ba của Nga sau Trung Quốc và Ấn Độ. Giới chức Iran cho biết Nga có thể bỏ túi đến 7 tỉ USD nếu phục hồi sự hợp tác quân sự một cách toàn diện với nước này. Iran cũng bị Mỹ cấm vận vũ khí. Lệnh cấm vận có hiệu lực kể từ 28.7 vừa rồi.
Thời gian gần đây, Nga đã bước chân vào được một trong những thị trường truyền thống của Mỹ là khu vực Mỹ La-tinh. Tháng 7 vừa rồi, Venezuela đã quyết định bổ sung 30 chiến đấu cơ Su-30 và 30 máy bay trực thăng. Số máy bay này trị giá 1 tỉ USD. Những chiếc Su-30 của Nga sẽ thay thế các máy bay đa năng F-16 của Mỹ trong hệ thống vũ khí của Venezuela. Năm 2005, Venezuela đã mua 6 máy bay trực thăng Mi-17 và Mi-35 của Nga. Cuối năm 2004, Caracas lại ký với Moscow một hợp đồng mua 100.000 khẩu AK trị giá 54 triệu USD. Nga cũng còn một danh sách các bạn hàng tại lục địa đen như Algeria, Libya, Angola, Ethiopia... Mới đây, Algeria đã ký một hợp đồng trị giá 7,5 tỉ USD để mua vũ khí của Nga. Trong chiến dịch giành hợp đồng cung cấp máy bay quân sự cho các nước, Nga đã lấy tiêu chí cạnh tranh của mình là mức giá phải chăng đồng thời linh động hơn trong phương thức thanh toán.
. Theo DPA, news.ru, TNO |