Ảrập Xê-út chia rẽ nội bộ về vấn đề Iraq
9:30', 14/12/ 2006 (GMT+7)

Hoàng thân Turki al-Faisal (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Ảrập Xê-út Hoàng thân Saud al-Faisal.

Hoàng gia và các lãnh đạo chính phủ Ảrập Xê-út đang bị chia rẽ sâu sắc về cách giải quyết cuộc khủng hoảng ngày càng tăng tại Iraq cũng như các vấn đề khác tại Trung Đông chẳng hạn như Iran. Một số người muốn trợ giúp mạnh cho người Sunni trong khi những người khác lại tỏ ra thận trọng.

Sự chia rẽ này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc Đại sứ Ảrập Xê-út tại Mỹ đột ngột từ chức vào tuần này. Nó cũng ảnh hưởng tới các nỗ lực của Mỹ thực thi một chiến lược tổng thể mới để ổn định tình hình Iraq.

Nói rộng ra, bất đồng nội bộ trên cho thấy cách các nước Ảrập giống như Ảrập Xê-út - những đối tác quan trọng trong nỗ lực bình ổn Trung Đông của Mỹ - đang vật lộn để quyết định nên hành động như thế nào trước tình hình hỗn loạn tại Iraq và Iran giành được nhiều ảnh hưởng trong khu vực.

Sự căng thẳng trong khu vực cũng làm cho quan hệ giữa Ảrập Xê-út với Mỹ căng thẳng theo mặc dù cả hai nước đều khẳng định mọi việc vẫn tốt đẹp. Chẳng hạn sự từ chức của Hoàng thân Turki al-Faisal chỉ sau 15 tháng làm đại sứ tại Washington xảy ra sau khi các quan chức Ảrập Xê-út kết luận ông không gặt hái được thành công trong việc xây dựng các mối quan hệ mạnh mẽ với Mỹ, một quan chức nước này tiết lộ hôm 13/12.

''Nhiều người trong Hoàng gia đã kết luận rằng nếu ông còn tiếp tục làm đại sứ, mọi việc có thể sẽ tồi tệ hơn'', quan chức trên cho biết. Ảrập Xê-út chưa có lời bình luận chính thức nào.Tuy nhiên, Iraq rõ ràng là trung tâm của sự bất đồng này.

Tuần trước, Hoàng thân Turki đã sa thải một cố vấn an ninh Ảrập Xê-út (Nawaf Obaid) sau khi Obaid viết trên tờ Washington Post rằng ''một trong những hậu quả nghiêm trọng'' của việc rút quân đội Mỹ khỏi Iraq sẽ là ''sự can thiệp ồ ạt của Ảrập Xê-út'' vào Iraq ''để ngăn chặn lực lượng dân quân Shiite do Iran hậu thuẫn khỏi giết hại người Sunni''. Ảrập Xê-út đã phủ nhận rằng Obaid đang phát ngôn cho nước này.

Có những thông báo rằng các công dân Ảrập Xê-út đang gửi hàng triệu đôla cho quân nổi dậy người Sunni tại Iraq bởi họ lo ngại về ảnh hưởng của Iran tại Iraq. Phần lớn số tiền đó được sử dụng để mua vũ khí. Các quan chức Iraq cho biết họ tin rằng một số thành viên của Hoàng gia Ả rập Xê-út liên quan tới luồng tài chính này hoặc nhắm mắt làm ngơ - một lời buộc tội mà Ảrập Xê-út kịch liệt phản đối.

Ảrập Xê-út và Mỹ cũng phủ nhận thông tin hôm 13/12 trên tờ New York Time rằng Vua Ảrập Xê-út đã nói với Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney rằng Vương quốc này có thể trợ giúp tài chính cho người Sunni ở Iraq nếu Mỹ rút quân khỏi Iraq. ''Đó không phải là chính sách của Ảrập Xê-út'', Phát ngôn viên Nhà Trắng Tony Snow cho biết. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Ảrập Xê-út ''lo ngại về ảnh hưởng của Iran tại Iraq và chúng tôi chia sẻ mối quan ngại đó''.

Mỹ đang thúc Ảrập Xê-út thuyết phục người Sunni tại Iraq từ bỏ nổi dậy và tham gia cùng với người Shiite vào các nỗ lực chính trị. Chính phủ Ảrập Xê-út nói rằng họ đang làm điều đó. Tuy nhiên, Hoàng gia đã bị chia rẽ sâu sắc về việc nên áp dụng chiến lược nào đối với Iraq. Một số muốn hỗ trợ mạnh mẽ cho những người Sunni tại Iraq trong khi những người khác lại chủ trương thận trọng.

Theo hai người giấu tên có mối quan hệ thân cận với chính phủ, vấn đề chính là các cuộc đấu tranh quyền lực và sự do dự về đường đi tốt nhất. ''Họ bị ám ảnh rằng người Shiite và Iran sẽ kiểm soát Iraq song họ không biết làm thế nào để ngăn chặn điều đó'', một người nói. Người khác đã mô tả cái mà ông gọi là sự bối rối trong chính phủ về đường đi tốt nhất.

Đầu tuần này, 30 giáo sĩ cấp cao của Ảrập Xê-út đã kêu gọi người Hồi giáo Sunni khắp Trung Đông ủng hộ người Sunni tại Iraq chống người Shiite và đã ca ngợi sự nổi dậy của người Sunni tại Iraq. Các giáo sĩ đã khuyến cáo rằng người Hồi giáo Shiite đang kiểm soát Iraq giống như ''quân Thập tự chinh'' để lấn át người Sunni. Nhiều giáo sĩ trong số này có mối quan hệ mật thiết với các thành viên Hoàng gia và nhận những khoản tài trợ hào phóng từ họ.

Ảrập Xê-út cũng ngày càng lo ngại về các diễn biến tại những nơi khác trong vùng, bao gồm LebanonIran. Cũng có những căng thẳng với Mỹ về vấn đề Palestine. Theo nhà phân tích chính trị Fahad al-Harithi của Ảrập Xê-út, sự căng thẳng trong quan hệ với Mỹ không dễ nhận thấy ''vì khói đang bốc cao trong khu vực và che giấu sự thật này''.

. Theo AP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bờ Biển Ngà: Phát hiện âm mưu ám sát Tổng thống  (13/12/2006)
Ả Rập Saudi sẽ hỗ trợ các nhóm vũ trang Hồi giáo Sunni  (13/12/2006)
Trung Quốc miễn học phí cho 150 triệu học sinh nông thôn  (13/12/2006)
Tây Ban Nha bắt giữ 11 nghi can khủng bố  (13/12/2006)
Lực lượng Hồi giáo Somali bao vây Baiboa  (13/12/2006)
Mỹ cho CHDCND Triều Tiên 2 năm để từ bỏ hạt nhân  (13/12/2006)
Kofi Annan quở trách Mỹ trong bài phát biểu cuối cùng  (12/12/2006)
Nga tung hoành trong thị trường vũ khí thế giới  (12/12/2006)
Tổng thống Mỹ hoan nghênh luật hạt nhân với Ấn Độ  (11/12/2006)
Xung đột bùng phát sau cái chết của Pinochet  (11/12/2006)
Cựu độc tài Pinochet qua đời  (11/12/2006)
Cháu trai Saddam Hussein vượt ngục  (10/12/2006)
Iran bắt đầu lắp đặt 3.000 máy ly tâm hạt nhân  (10/12/2006)
Philippines: 15.000 người phải sơ tán tránh bão Utor  (10/12/2006)
Đức: Hệ thống tàu điện ngầm không người lái sắp đi vào hoạt động  (08/12/2006)