Thế giới năm 2006 đã chứng kiến hàng loạt biến chuyển trên chính trường thế giới. Dưới đây là 10 sự kiện quốc tế được đánh giá là đáng chú ý.
1) Saddam Hussein bị kết án tử hình
Gần 3 năm sau khi bị bắt, cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị kết án treo cổ vì tội ác chống lại loài người hôm 5/11. Toà án kết luận rằng Saddam Hussein và 2 đồng bị đơn khác đã ra lệnh sát hại 148 người vô tội năm 1982. Tại phiên toà Saddam Hussein tỏ ra rất giận dữ và hô vang ''Chúa vĩ đại'', ''Sự sống dành cho đất nước vinh quang và cái chết cho kẻ thù của nó'' khi bản án được tuyên.
|
Saddam Hussein tại toà.
|
2) CHDCND Triều Tiên và Iran tỏ rõ quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân
Ngày 9/10, Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm lần đầu tiên thiết bị hạt nhân. Hành động này khiến cộng đồng quốc tế bất bình và Hội đồng Bảo An LHQ ra quyết định trừng phạt quốc gia này. Cùng với sự kiện trên, Cộng hoà Hồi giáo Iran thề sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân. Các diễn biến cho thấy, con bài hạt nhân giờ không chỉ nằm trong tay các cường quốc.
|
Hội đàm 6 bên về chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng được nối lại vào ngày 18-12.
|
3) Đảo chính quân sự ở Thái Lan
Thế giới đã chứng kiến quân đội lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra trong một cuộc đảo chính không đổ máu hôm 19/10. Cuối tháng 11, lãnh đạo quân sự Tướng Sonthi nới lỏng thiết quân luật ở một số khu vực trong nước.
|
Cắm hoa hồng trên xe tăng.
|
4) Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ
Trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ hồi đầu tháng 11, sự thay đổi lớn được quyết định bởi cuộc đua ở Virginia. Chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Jim Webb trước đảng viên Cộng hoà Georgie Allen đã giúp đảng Dân chủ giành quyền đa số tại Thượng viện. Với chiến thắng này, đảng Dân chủ nắm chắc thế đa số ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện.
|
Chiến thắng của Jim Webb giúp Dân chủ giành chiến thắng tại Thượng viện.
|
5) Biểu tình bạo lực từ thế giới Hồi giáo
Một tờ báo Đan Mạch đăng tải tranh biếm hoạ về Nhà tiên tri Mohammed, một số bức mô tả nhà tiên tri như một tên khủng bố. Việc làm này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình lớn ở thế giới Hồi giáo suốt tháng 1 và 2. Một vài cuộc biểu tình chuyển thành bạo lực và làm bị thương, gây chết người, nhiều tài sản bị hư hại. Mười người tại thành phố Benghazi, Libya đã thiệt mạng trong vụ biểu tình bạo loạn bên ngoài sứ quán Italia tại đây. Sứ quán Anh, Đức, Đan Mạch cùng nhiều văn phòng đại diện ngoại giao của các quốc gia khác tại Iran, Iraq, Syria và Lebanon bị tấn công. Đại sứ quán Đan Mạch tại Lebanon bị phóng hoả.
6) Động đất mạnh tại Indonesia
Hồi cuối tháng 5, một trận động đất 6,3 độ Richter đã tấn công đảo Java, Indonesia. Hơn 5.800 người thiệt mạng, 45.000 người bị thương và 200.000 người mất nhà cửa - một thảm hoạ mới lại giáng xuống Indonesia một cách quá nhanh trong khi đất nước này còn đang vật lộn với những hậu quả từ trận sóng thần cuối năm 2005 - khi đó có 100.000 người Indonesia thiệt mạng.
7) Chiến tranh Lebanon
Cuộc chiến bùng phát từ vụ 5 binh sĩ, trong đó có 2 người bị bắt cóc và 3 người bị chiến binh Hezbollah giết hại hôm 12/7. Ông Ehud Olmert, trở thành Thủ tướng Israel sau khi ông Ariel Sharon bị đột quỵ, thề sẽ đem các binh sĩ bị bắt cóc trở lại an toàn. Chiến tranh bùng nổ từ đây. Israel tấn công hàng trăm mục tiêu ở Lebanon trong khi du kích Hezbollah đánh trả bằng tên lửa. Quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch sơ tán quy mô lớn, đưa hàng nghìn người Mỹ và công dân các quốc gia khác rời khỏi Lebanon. Thoả thuận ngừng bắn có hiệu lực vào 14/8.
8) Phá tan âm mưu đánh bom các chuyến bay Anh sang Mỹ
Hồi đầu tháng 8, âm mưu tấn công khủng bố các chuyến bay từ Anh sang Mỹ bằng chất nổ lỏng bị đập tan. Từ sau sự kiện này, an ninh tại các sân bay được thắt chặt. Về phía Mỹ, hành khách bị cấm đem lên máy bay các chất lỏng, việc này gây ra nhiều rắc rối tại các chốt kiểm soát ở sân bay. Hàng chục người sống tại Anh bị bắt vì bị nghi có liên quan tới âm mưu tấn công.
9) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld từ chức
Tháng 11, Bộ trưởng Donald Rumsfeld từ chức, dấu hiệu cho thấy sẽ có hướng đi mới ở cuộc chiến Iraq. Nhóm nghiên cứu Iraq đề nghị rút quân và Tổng thống Mỹ Bush thừa nhận cần phải có sự thay đổi. Năm nay, số lính liên quân thiệt mạng tại đất nước vùng vịnh Iraq đã lên tới con số 3.000. Cuộc chiến cũng khiến 150.000 dân thường Iraq thiệt mạng.
10) Bạo lực lan rộng, hoà bình còn xa vời ở Dafur
Năm 2006, cộng đồng quốc tế gây sức ép phải chấm dứt các cuộc thanh trừng sắc tộc ở Dafur, tây Sudan. Một lực lượng hỗn hợp Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Phi bị Sudan từ chối tiếp nhận. Cuối năm, các báo cáo cho biết, bạo lực đã vượt qua biên giới và sang Chad. Ước tính 200.000 người đã thiệt mạng, gần 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Mỹ gọi những gì diễn ra trong 4 năm gần đây tại Dafur là diệt chủng.
. Theo VNN |