|
Máy bay Nga tiếp nhận uranium tại sân bay Dresden. Ảnh: Reuters |
Nga đang triển khai chiến dịch thu gom chất phóng xạ do Liên Xô để lại rải rác tại Đông Âu. Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ loại chất đặc biệt này rơi vào tay khủng bố.
Rạng sáng 18.12, an ninh được siết chặt trên quãng đường dài 10 km từ Trung tâm nghiên cứu Rossendorf tới sân bay Dresden ở miền đông nước Đức. Nhà chức trách cho biết đã huy động từ 300 đến 500 cảnh sát tới khu vực này, đó là chưa kể lực lượng an ninh ngầm. Những phương án đặc biệt nhất đã được triển khai. Tất cả chỉ để bảo vệ cho một chiếc xe tải bọc thép màu bạc chạy từ Trung tâm Rossendorf tới sân bay Dresden. Chiếc xe này chở 326 kg uranium, trong đó có tới 75% là loại đã được làm giàu ở mức độ cao, do Liên Xô để lại tại Rossendorf. Chuyến hàng này nằm trong chiến dịch thu gom chất phóng xạ đã được làm giàu ở một số nước vốn là đồng minh của Liên Xô trước đây. Để đảm bảo chuyến hàng không bị tấn công, giới chức an ninh tại Đức đã huy động tới 40 xe cảnh sát hộ tống chiếc xe hàng. Ngoài ra, người ta còn tổ chức một đoàn xe làm mục tiêu giả, nhằm phân tán sự chú ý. Người ta đã phải triển khai các biện pháp an ninh cao nhất bởi lượng uranium trên, nếu được tinh chế đúng cấp độ, có thể đủ để sản xuất nhiều quả bom hạt nhân.
Sau khi vượt qua quãng đường dài 10 km, chiếc xe bọc thép tiến vào sân bay Dresden. Tại đây, một máy bay vận tải Ilyushin-76 của Nga đã chờ sẵn. Hàng được chất lên và máy bay cất cánh. Sau khi về đến Nga, lượng uranium này sẽ được chuyển tới một trung tâm xử lý gần khu vực Podolsk để trộn với một lượng uranium được làm giàu ở cấp độ thấp nhằm "hóa giải" các mối nguy hiểm.
Việc Nga chuyển một lượng lớn uranium được làm giàu ra khỏi đất Đức không hề là chuyện đơn giản. Trong một thời gian dài trước đó, người ta đã làm các thủ tục cam kết đảm bảo an ninh và xin phép nhà chức trách Đức cũng như LHQ. Giám đốc Trung tâm Rossendorf, Udo Herwig, nói rằng ông và các đối tác Nga đã vạch ra nhiều phương án để đối phó với tình huống xấu nhất. "Chúng tôi đã được phép chở bằng máy bay. Chính phủ Đức và các cơ quan của LHQ sẽ chẳng bao giờ cho phép vận chuyển nếu an ninh không được đảm bảo", Herwig nói. Vậy trong trường hợp máy bay rơi, liệu khối uranium trên có trở thành một quả "bom bẩn" khổng lồ? Câu trả lời của ông Herwig là "không". Người ta đã thiết kế hộp đựng chất phóng xạ đủ chắc chắn để loại trừ nguy cơ rò rỉ ngay cả khi máy bay rơi. Khi các mẫu phóng xạ đầu tiên được đưa ra khỏi Trung tâm Rossendorf để chất lên máy bay, các chuyên gia của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Cục An toàn hạt nhân quốc gia Mỹ cũng đã có mặt để giám sát.
Trung tâm Rossendorf được Liên Xô xây dựng trên đất CHDC Đức trước đây. Khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, lò phản ứng uranium tại đây bị đóng cửa và số uranium đã được làm giàu nằm im lìm, chứa đựng mối đe dọa lớn về an ninh. Trên thực tế, kho hạt nhân tại Rossendorf chỉ là một phần nhỏ trong số những gì Liên Xô đã để lại trong lãnh thổ một số nước Đông Âu sau khi tan rã. Chất phóng xạ nằm rải rác khắp nơi chứa đựng mối đe dọa lớn cho an ninh thế giới. Bắt đầu từ năm 2004, Nga đã phối hợp với Mỹ cùng IAEA triển khai chương trình thu gom vật liệu phóng xạ, gọi tắt là GTRI. Mục tiêu của chương trình là phát hiện và gom các chất liệu phóng xạ trên khắp thế giới, để ngăn chặn loại chất này rơi vào tay khủng bố. Trong báo cáo mới đây, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết GTRI đã gom được chất phóng xạ tại 400 địa điểm trên toàn cầu với lượng nguyên liệu đủ để sản xuất 6.000 quả "bom bẩn". Chuyến hàng từ Dresden tới Nga vào hôm 18.12 là lần chuyên chở lớn nhất với lượng uranium nhiều hơn tất cả lượng chất phóng xạ mà GTRI đã thu gom trước đó cộng lại.
. Theo Reuters, MosNews |