|
Tổng thống Mỹ G. Bush |
Bị suy yếu và chế ngự, trong năm 2007 Tổng thống Mỹ Bush còn một cơ hội cuối cùng để ông chứng tỏ giá trị của mình...
Khó có thể lạc quan về năm 2007. Đó không chỉ bởi thế giới đối mặt với một loạt vấn đề nản chí - từ vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, tính chiến đấu Hồi giáo ngày càng mạnh cho tới sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu - mà còn bởi khả năng thiếu lãnh đạo chính trị.
Hai nhân vật kỳ cựu trên chính trường thế giới, Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Thủ tướng Anh Tony Blair, sẽ rút lui, làm cho châu Âu hướng nội nhiều hơn. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ tập trung vào các cuộc bầu cử Thượng viện. Tại Trung Quốc, quan tâm chính của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vẫn sẽ là nền kinh tế của nước này.
Tuy nhiên, Washington, DC. sẽ là nơi duy nhất trên thế giới cảm nhận mạnh mẽ nhất về sự yếu kém và phó mặc. Rốt cuột, George Bush là một vị tổng thống muốn thay đổi mọi thứ. Ở trong nước, ông đã cắt giảm thuế và nỗ lực tạo ra một thời kỳ bá quyền của đảng Cộng hoà. Ở nước ngoài, sau các cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001, ông bắt đầu tái sắp xếp lại trật tự thế giới, đưa quân tới Afghanistan và Iraq, cố gắng thiết lập một học thuyết Bush dựa trên sức mạnh phủ đầu và xuất khẩu dân chủ.
Hàng triệu người khắp thế giới có lẽ rất căm ghét ông Bush về những hành động của ông song thật khó có thể buộc tội ông thiếu tham vọng.
Tuy nhiên, thế giới hoá ra phức tạp hơn một chút so với dự đoán của ông Bush. Ngoài ra, cho tới nay chính quyền của ông đã tỏ ra kém cỏi trong việc thực hiện những mơ ước của ông. Do vậy, triển vọng của ông Bush trong năm 2007, thoáng nhìn, sẽ rất ảm đạm. Sau khi đảng Cộng hoà thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, Tổng thống dường như đã từ bỏ cơ hội đưa ra bất kỳ sáng kiến đối nội lớn nào. Ở nước ngoài, mọi việc thậm chí ảm đạm hơn với việc quân đội Mỹ sa lầy ở Iraq và Afghanistan, các vấn đề CHDCND Triều Tiên và Iran.
Do vậy sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu ông Bush lựa chọn để xuống thang trong năm 2007, coi thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống là một bài tập hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn sai nếu ông làm như vậy bởi hai lý do. Thứ nhất, vị thế của ông không yếu như vẻ ngoài. Và thứ hai ông vẫn có cơ hội thiết lập một di sản hữu ích hơn.
Mặc dù đảng Cộng hoà thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, Mỹ vẫn là một quốc gia nơi những người bảo thủ đông hơn tự do. Một lĩnh vực nơi ông Bush có thể thống nhất đảng của ông cũng như bù đắp cho những sai lầm quá khứ là chi tiêu chính phủ. Trong sáu năm ở Nhà Trắng, ông Bush chẳng cần ''ghìm cương'' quốc hội. Giờ với khả năng đảng Dân chủ sẽ chi tiêu hoang phí hơn cho những việc vô ích, ông có lý do để cứng rắn.
Tuy nhiên, cơ hội chuộc lỗi tốt nhất của ông lại nằm ở chính sách đối ngoại. Một lần nữa, đừng đánh giá thấp sức mạnh của ông Bush. Nếu sáu năm qua đã chứng tỏ Mỹ là một thế lực ít có ảnh hưởng hơn so với hy vọng của những người tân bảo thủ, họ đã củng cố tính không thể thiếu được của siêu cường duy nhất trên thế giới này: chẳng gì có ý nghĩa xảy ra nếu không có Mỹ. Mặc dù khó có thể tin song ông Bush sẽ có kinh nghiệm bên mình. Ông sẽ trở thành người có kinh nghiệm nhất tại bàn hội nghị G7.
Sức mạnh đó sẽ không phủ nhận được nhiệm vụ khó khăn mà ông Bush đối mặt. Với Iraq, ông phải trộn quyết tâm - Mỹ phải chắc chắn duy trì quân đội ở đó trong suốt năm 2007 - với sự hối lỗi: ông nợ người Mỹ và người Iraq một lời giải thích thẳng thắn về những sai lầm phạm phải. Cũng chẳng dễ dàng hơn để đối phó với những phần còn lại của ''trục ma quỷ''. Cơ hội tốt nhất kiểm soát CHDCND Triều Tiên và Iran là tăng quy mô của cây gậy và củ cà rốt. Có lẽ ông Bush sẽ phải đưa ra nhiều đảm bảo an ninh hơn đối với Bình Nhưỡng và Tehran. Cái đó đáng làm nếu đảm bảo được dấu chấm hết cho chương trình chế tạo bom của hai nước này.
2007 là một năm khó khăn. Tuy nhiên, cũng có nhiều cơ hội phiêu lưu cho ông Bush để thiết lập một di sản có ý nghĩa. Là một chính trị gia, ông luôn luôn là một cái gì đó giống như người đánh bạc. Một cơ hội là thương mại thế giới: nếu ông Bush có thể cứu được vòng đàm phán thương mại Doha, ông sẽ làm nhiều hơn để thúc đẩy chương trình nghị sự tự do của ông tại các nước đang phát triển so với biện pháp thay đổi chế độ. Một cơ hội khác là sự bất hoà Israel-Palestine - một căn bệnh ung thư gặm nhấm dần mối quan hệ không chỉ giữa đạo Hồi và phương Tây mà còn giữa Mỹ và châu Âu. Ông Bush đã tuyên bố ủng hộ một nhà nước Palestine song đã làm quá ít để giúp tạo lập một nhà nước như vậy.
Có lẽ khả năng hấp dẫn nhất đối với ông Bush là môi trường. Quan điểm đã thay đổi kể từ khi ông Bush bác bỏ Nghị định thư Kyoto năm 2001. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp và chính phủ bang ở Mỹ coi thay đổi khí hậu là vấn đề nghiêm túc. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chẳng làm gì để hạn chế lượng CO2 phát thải nếu Mỹ không dẫn đầu. Với sự phô trương và một chút khéo léo, ông Bush có thể bắt đầu tạo ra một nghị định thay thế Kyoto.
Sẽ có một số người quanh ông Bush khuyên ông không nên mạo hiểm thêm nữa. Tuy nhiên, về mặt di sản, ông chẳng có nhiều để mất.
. Theo Economist |