|
Hình ảnh cuộc hành hình được phát trên các đài truyền hình ở Iraq. Ảnh: Reuters |
Câu chuyện dài về một nhân vật đầy quyền lực của vùng Vịnh đã kết thúc. Rạng sáng ngày 30-12, cựu Tổng thống Saddam Hussein đã bị treo cổ tại thủ đô Baghdad của Iraq.
Ngày hành quyết
Mãi đến đêm 29-12, thông tin về thời điểm hành hình cựu Tổng thống Iraq mới được tiết lộ, đó là vào sáng 30-12. Dân Iraq đã thức suốt đêm để chờ đợi sự kiện này, nhiều người vui mừng, trong khi một số khác than khóc. Phản ứng này là điều dễ hiểu trong một đất nước bị chia rẽ sâu sắc.
Sáng 30-12, khi bóng tối chưa tan hết tại thủ đô Baghdad, tử tù Saddam Hussein, 69 tuổi, được đưa ra khỏi trại giam để đến địa điểm hành quyết nằm bên ngoài Vùng Xanh, khu vực được bảo vệ an ninh gắt gao nhất Baghdad. Một nhóm người Iraq, trong đó có đại diện của Thủ tướng Nouri al-Maliki và một giáo sĩ dòng Sunni, được đưa đến tòa nhà bên cạnh để chứng kiến.
Gần 6h sáng (giờ Baghdad - tức khoảng 10h sáng tại Việt Nam), bản án và quyết định xử tử được đọc. Theo đó, Saddam Hussein bị tử hình vì tội ác chống lại loài người liên quan đến việc ra lệnh giết 148 người Hồi giáo Shiite vào năm 1982. Saddam cầm trong tay một cuốn kinh Koran, tương tự như những lúc xuất hiện tại tòa trước đây. Tiếp đó, đội hành quyết, gồm một nhóm người trùm mặt và một người "quên" trùm mặt, tròng dây thòng lọng vào cổ vị cựu Tổng thống Iraq. Lúc này, Saddam không bị bịt mặt và trông khá bình thản. Ông ta nói gì đó với một thành viên đội hành quyết và lắng nghe những người này. Rồi giây phút quyết định đã đến. Đài truyền hình al-Iraqiya của Iraq cho biết Saddam chết rất nhanh, "chỉ trong nháy mắt".
Toàn bộ cuộc hành quyết chỉ diễn ra trong vài phút. Chiều 30-12, nhiều đài truyền hình ở vùng Vịnh đã phát lại một số hình ảnh cuộc hành hình. Cố vấn chính trị của Thủ tướng al-Maliki, ông Al-Askari, kể rằng khi bị dẫn ra khỏi nhà tù quân sự của Mỹ ở Baghdad, Saddam đã chống cự nhưng sau đó trấn tĩnh trở lại.
Cựu Tổng thống Iraq bận toàn đồ đen, từ áo, quần, mũ đến giày, chứ không chịu mang trang phục của nhà tù. Ngay trước khi hành quyết, người ta lột mũ trùm đầu cho Saddam và hỏi ông ta rằng có muốn nói gì không. "Không, tôi không muốn", al-Askari thuật lại lời tử tù. Rồi Saddam lặp lại lời cầu nguyện của một giáo sĩ Sunni. "Sau đó, Saddam được đưa tới giá treo cổ và ông ta không cho trùm đầu. Trước khi dây thừng tròng vào cổ, Saddam hét lớn: "Thượng đế vĩ đại. Dân tộc này sẽ chiến thắng và Palestine thuộc về Ả Rập", al-Askari thuật lại.
Cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia Iraq Mouwafak al-Rubaie thì kể: "Ông ta không yêu cầu gì. Ông ta chỉ mang một cuốn kinh Koran và nói: "Tôi muốn chuyển cuốn kinh cho người này", một người nào đó tên là Bander. Al-Rubaie nói rằng ông ta chẳng hề biết Bander là ai. "Saddam đã được đối xử đàng hoàng lúc còn sống và sau khi chết. Vụ xử tử này là do người Iraq tiến hành, 100% là như vậy, tuyệt đối không có sự can dự của Mỹ", al-Rubaie nói.
Đông đảo người dân Iraq đã xuống đường ăn mừng sự kiện mà họ gọi là "ngày đền tội". Cộng đồng kiều dân Iraq ở nhiều nơi trên thế giới cũng hoan hỉ. Trong khi đó, nhiều nhóm Hồi giáo Sunni, đặc biệt là tại thành phố Tikrit quê hương của Saddam, lại giận dữ và đau buồn. Không khí lo sợ bao trùm tại nhiều khu vực ở Iraq.
Thi thể Saddam sẽ về đâu?
Sau vụ hành quyết, cố vấn của Thủ tướng al-Maliki, ông al-Askari, nói rằng chính phủ chưa có quyết định chính thức về việc xử lý thi thể của Saddam. Trước đó, nhiều quan chức Mỹ và Iraq đã đưa ra những hướng giải quyết khác nhau. Một số cho rằng nên chuyển thi thể sang Jordan, nơi hai người con gái của Saddam đang sống. Sau đó, thi thể sẽ được chôn tại một điểm bí mật, không bao giờ tiết lộ. Cũng có ý kiến cho rằng nên chôn ở một nơi bí mật nhưng sau một thời gian sẽ khai quật lên và chuyển hài cốt về cho gia đình hoặc bộ lạc của ông ta. Một số người gợi ý đưa thi thể về thành phố quê hương Tikrit để chôn.
Một chính trị gia Sunni thậm chí còn kêu gọi tổ chức quốc tang cho Saddam, ý kiến mà theo giới chức phương Tây là "rất khó chấp nhận". Ông Hamad Humood, Tỉnh trưởng tỉnh Salahedeen, nói: "Chúng tôi yêu cầu tổ chức tang lễ chính thức cho Saddam Hussein; ông ta là cựu Tổng thống Iraq, nên an táng Saddam gần những người con trai của ông ta". Hai con trai của Saddam là Uday và Qusay bị lính Mỹ bắn chết vào tháng 7-2003 tại Mosul và sau đó được chôn tại ngoại ô Tikrit. Ngày 30-12, con gái của Saddam đã đề nghị được an táng cha mình tại Yemen.
Việc xử lý thi thể của nhiều nhân vật khét tiếng trong lịch sử luôn gặp rắc rối. Xương của trùm phát xít Adolf Hitler được chôn tại một địa điểm bí mật, rồi bị đào lên và chuyển qua nhiều nơi tại Đông Đức. Sau đó, người ta chôn xuống rồi lại đào lên để thiêu. Hiện một mảnh hộp sọ của Hitler được lưu giữ tại Nga.
Sau khi bị bắn, thi thể trùm phát xít Ý Mussolini cũng chịu số phận tương tự. Một nhóm bác sĩ Mỹ đã lấy não của Mussolini để xem nhà độc tài này có bị điên hay không. Cơ thể của Mussolini thì được chôn tại một địa điểm bí mật ở Milan. Sau đó, một nhóm tân phát xít đã phát hiện và đưa vào giấu ở một vùng núi. Cuối cùng, người ta đưa về chôn tại thị trấn Predappio, bên bờ biển Adriatic.
Tro cốt của Hideki Tojo, Thủ tướng Nhật Bản thời Thế chiến 2, thì được giấu kín suốt 3 thập kỷ trước khi đưa đến ngôi đền Yasukuni ở Tokyo. Mới đây nhất, sau khi thủ lĩnh mạng lưới khủng bố al-Qaeda tại Iraq là Abu al-Zarqawi bị giết, người ta cũng đem thi thể của y chôn ở một nơi bí mật.
Saddam chưa chết?
Giới chức Iraq, Mỹ cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế đều khẳng định: cựu Tổng thống Saddam Hussein đã bị xử tử vào ngày 30/12 tại Baghdad. Tuy nhiên, có một số ý kiến khác lại hồ nghi. Báo India Daily (Ấn Độ) ngày 30/12 viết: "Có một Saddam đã bị tử hình. Nhưng vị Saddam này là ai? Là một người giống Saddam hay Saddam thật?". Theo tờ báo, một số nhà phân tích quốc tế cho rằng Saddam thật đã được đưa ra khỏi Iraq. Một đoàn người đã đưa nhân vật này qua Syria rồi sau đó đến Nga. Quân Mỹ đã bắn vào nhóm người này, làm rất nhiều người bị thương, kể cả Saddam, nhưng không bắt được ông ta. "Có người tin rằng Saddam thật đang ở Nga", India Daily viết. Đó là lý do tại sao Chính phủ Iraq (thời Saddam) đã nhanh chóng sụp đổ. Tờ báo này còn dẫn ý kiến cho rằng người Kurd đã bắt được một người giống Saddam và giao cho Mỹ.
"Câu hỏi lớn nhất là: Có thực Saddam đã chết?", India Daily hồ nghi. Mỹ phải chứng minh rằng người bị xử tử là Saddam thật. Nhiều người cho rằng Saddam có quá ngu xuẩn thì mới "chạy vòng vòng" tại Iraq để rồi cuối cùng bị giết. Có thể ông ta đã trốn ra nước ngoài và trao quyền lại cho một người giống mình trước khi Mỹ tấn công. Báo India Daily viết rằng thậm chí kết quả xét nghiệm DNA cũng khó có thể chứng minh được rằng Saddam đã bị xử tử. "Không một ai biết làm sao để chứng minh được rằng Saddam hiện đã chết hay còn sống", India Daily kết luận.
Trên đây là ý kiến của một tờ báo Ấn Độ. Dù India Daily không có bằng chứng để chứng minh những hồ nghi này là xác đáng, nhưng vấn đề họ nêu ra cũng đáng quan tâm.
Số phận một số người liên quan
Barzan Ibrahim, người em cùng cha khác mẹ với Saddam và là cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Iraq, cùng cựu Chánh án Tòa án Cách mạng Awad Hamed al-Bandar cũng bị án tử hình liên quan đến vụ thảm sát 148 người Shiite vào năm 1982. Những người này bị xử tử sau Saddam. Ali al-Majid, một người em họ của cựu Tổng thống Saddam vốn khét tiếng với biệt danh "Ali hóa học", hiện đang bị xét xử liên quan đến chiến dịch tiêu diệt người Kurd vào các năm 1987-1988. Hiện có tin vợ của Saddam là Sajida Khairallah Tulfah đang ở Qatar. Bà này bị Chính phủ Iraq cáo buộc tài trợ cho khủng bố.
Hai người con gái của Saddam là Raghad và Rana sống với 9 người con tại Jordan từ năm 2003, theo quy chế tị nạn. Một người cháu trai của Saddam là Ayman Sabawi, bị án chung thân vì tài trợ cho quân chống đối, đã vượt ngục vào ngày 9-12.
. Theo TNO
Phản ứng quốc tế
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tôn trọng quyết định của Chính phủ Iraq song bày tỏ lo ngại việc treo cổ Saddam không thể chấm dứt bạo lực đẫm máu tại Iraq.
Ngay cả một số nước phản đối án tử hình như Australia - đồng minh chính của Mỹ cũng tuyên bố, việc xử tử Saddam Hussein là ''một thời khắc trọng đại'' đối với Iraq - đất nước bị chiến tranh tàn phá.
''Không biết những nước khác nghĩ thế nào về án tử hình nhưng Chính phủ Iraq luôn biết rõ lập trường của Australia về vấn đề này. Chúng tôi tôn trọng quyền phán quyết của Iraq với những tội ác chống lại loài người'', Ngoại trưởng Alexander Downer nói trong phát biểu mới đây.
Nhật nói, việc tử hình Saddam được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. ''Đó là quyết định của chính phủ mới ở Iraq dựa trên luật pháp. Chúng tôi tôn trọng điều đó'', một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật nói.
Tuy nhiên, Malaysia - quốc gia với phần đông người Hồi giáo, hiện lãnh đạo Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC), cảnh báo, việc treo cổ Saddam có thể làm bạo lực ở Iraq bùng phát mạnh hơn. ''Tôi cho rằng bản án này sẽ gây ra hậu quả. Điều duy nhất chúng tôi hy vọng họ có thể kiểm soát nó. Xung đột vẫn chưa chấm dứt. Xử tử Saddam không phải là câu trả lời cho xung đột'', Ngoại trưởng Syed Hamid Albar nói với phóng viên AFP.
Theo ông Syed Hamid, trong nội bộ OIC đã có sự chia rẽ quanh số phận của Saddam Hussein.
Thái Lan tin rằng việc xét xử được thực hiện theo luật pháp Iraq. Tuy nhiên, quan điểm của Campuchia là không nên treo cổ Saddam Hussein. ''Iraq đã có nhiều tiến bộ về dân chủ nhưng cuối cùng án tử hình vẫn tồn tại. Chúng tôi không ủng hộ việc đó vì Campuchia đã bãi bỏ mức án này. Campuchia phản đối án tử hình nhưng ủng hộ quá trình thực thi công lý cho mọi người'', Bộ trưởng Thông tin Khieu Kanharith cho hay.
Tại Singapore, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao tuyên bố, việc xử tử Saddam là hợp pháp. Ông này còn nói thêm, Singapore hy vọng người Iraq sẽ tiếp tục giải quyết những vấn đề khẩn cấp.
Về phần Anh, Ngoại trưởng Margaret Beckett nói, Saddam đã phải chịu tội nhưng lặp lại việc chính phủ Anh phản đối dùng án tử hình. Nhà lãnh đạo này tuyên bố, chính phủ Anh hoan nghênh việc xử tội Saddam vì những tội mà nhân vật này gây ra với người Iraq nhưng ''ủng hộ việc chấm dứt án tử hình trên toàn cầu''.
Pháp, đất nước vốn phản đối xử tử, tuyên bố, quyết định treo cổ Saddam thuộc về người Iraq và chính quyền nước này. Pháp kêu gọi người Iraq tiếp tục công cuộc hoà giải.
Cũng trong ngày hôm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hamid Reza Asefi hoan nghênh việc xử tử Saddam và coi đó là thắng lợi của toàn thể nhân dân Iraq.
Bộ Ngoại giao Brazil tuyên bố, Brazilkhông tin việc hành hình Saddam có thể đem lại hoà bình cho Iraq.
Tại Ấn Độ, đảng cầm quyền Quốc đại nói, việc treo cổ Saddam là đáng tiếc. Janardhan Dwivedi, Tổng thư ký đảng Quốc đại nói Ấn Độ hy vọng, việc xử tử Saddam không nằm trong quá trình phục hồi dân chủ và hoà giải ở Iraq.
Ở Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Qin Gang nói, vấn đề của Iraq nên để người Iraq quyết định. Ông nói, Trung Quốc hy vọng Iraq có thể sớm bình ổn và phát triển.
. Theo VNN | |