Cuộc bầu cử Quốc hội Thụy Điển - được dự đoán có kết quả sít sao - diễn ra ngày 17/9 phải chăng sẽ mở đầu cho sự thoái trào của đảng Dân chủ xã hội cầm quyền tại nước này trong 74 năm qua? Và phải chăng "mô hình Thụy Điển" được ca ngợi trên toàn thế giới đã hết thời?
Năm ngoái, nhật báo The Guardian (Anh) đánh giá Thụy Điển là "xã hội thành công nhất thế giới". Một điều tra về mức độ hạnh phúc của người dân ở 178 nước xếp Thụy Điển ở vị trí đáng nể - thứ 7. Quả thực, nếu chỉ nhìn vào những phúc lợi mà người dân nước này được hưởng từ khi sinh đến lúc nhắm mắt xuôi tay, khó có thể hiểu vì sao họ lại có xu hướng muốn thay thế ê-kíp cầm quyền hiện nay.
Ở Thụy Điển, người thất nghiệp được hưởng trợ cấp tương đương 80% lương cũ trong vòng 12 tháng. Phụ nữ và cả nam giới có quyền nghỉ 18 tháng để chăm con mới sinh hoặc con ốm, mà vẫn hưởng 80% lương. Mỗi cặp vợ chồng đang đi làm sinh đứa con đầu tiên, nhà nước trợ cấp khoảng 2,7 triệu VNĐ để trông con. Người già được trợ giá đến 90% tiền thuê nhà và được chăm sóc miễn phí tại gia. Giao thông công cộng rẻ và thuận tiện, mỗi lần đi lại ở Stockholm trung bình tốn không quá 40.000 VNĐ...
Tuy nhiên, người dân không còn thỏa mãn với một nhà nước hào phóng như thế nếu cái giá phải trả là thuế cao, nạn thất nghiệp gia tăng, và việc ngày càng có nhiều dân nhập cư chỉ sống bằng trợ cấp. Thủ tướng Goran Persson có thể tự hào về thành tích tăng trưởng kinh tế đang ở mức rất cao là 6%, lạm phát dưới 2%, ngân sách bội thu, nhưng đối thủ của ông tại các phòng phiếu ngày 17/9 lại hứa hẹn những con số còn ấn tượng hơn thế, mà vẫn dựa trên những nguyên tắc nền tảng của nhà nước phúc lợi. Người thách thức đảng Dân chủ xã hội cầm quyền là Fredrik Reinfeldt, 41 tuổi, thủ lĩnh đảng Ôn hòa, một thành phần trong Liên minh vì ThụY Điển. Là tập hợp của 3 đảng thiên hữu và trung dung nhưng liên danh này tranh cử với lời tự xưng là "đảng của những người lao động mới" và tấn công đảng Dân chủ xã hội bằng khẩu hiệu: "Các ngài chi bao nhiêu cho giáo dục và y tế, chúng tôi sẽ chi nhiều hơn thế". Vậy là không có chuyện cắt bớt ngân sách để chiều lòng tầng lớp trung lưu và giới chủ. Bản thân ông Reinfeldt cũng nói: "Không có gì ghê gớm cả, chỉ là thay đổi một chút thôi".
. Theo Times, Spigel, CI |