Đêm qua (19-9), trong khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang ở Mỹ để tham dự kỳ họp thường niên của Đại hội đồng LHQ thì quân đội Thái Lan đã tiến hành đảo chính. Khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua tại quốc gia này cuối cùng đã dẫn tới một cuộc binh biến.
|
Xe tăng của phe đảo chỉnh tiến vào thủ đô Bangkok.
|
Ban bố tình trạng khẩn cấp
Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi có thông tin về cuộc đảo chính do quân đội tiến hành ở trong nước vào đêm 19-9. Ông Thaksin tuyên bố điều này khi đang dự kỳ họp thường niên của Đại hội đồng LHQ tại New York (Mỹ). Mở đầu cuộc đảo chính, Đài truyền hình quân đội Channel 5 đã ngưng chương trình thường lệ để phát những bài ca ái quốc và hình ảnh đức vua. Ngay sau đó, ông Thaksin đã nhận được hung tin từ trong nước và xuất hiện trên Đài truyền hình quốc gia để ban bố tình trạng khẩn cấp: "Chính phủ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Bangkok với sự đồng thuận của Nội các". Ông cho biết đã phế truất quyền điều hành của người đứng đầu quân đội, Tổng tư lệnh Sondhi Boonyaratkalin. Thủ tướng Thaksin cảnh cáo binh sĩ không nên "di chuyển một cách bất hợp pháp". Phát ngôn viên chính phủ nói rằng lực lượng của Thủ tướng Thaksin vẫn nắm quyền kiểm soát và quân đội "không thể đảo chính được". Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố của ông Thaksin, báo chí Thái Lan cho biết ít nhất 14 xe tăng cùng binh lính đã xuất hiện xung quanh các tòa nhà chính phủ tại Bangkok. Một cuộc binh biến thực sự đã diễn ra và quyền lực của ông Thaksin đang bị tước đoạt.
Đòn chớp nhoáng của quân đội
Hãng tin BBC cho biết quân đội đã chiếm cứ một số trụ sở truyền hình và tuyên bố thành lập chính quyền lâm thời trung thành với quốc vương. Một quan chức quân sự giấu tên cho biết Tổng tư lệnh Sondhi Boonyaratkalin đảo chính để lật đổ Thủ tướng Thaksin và thành lập "Hội đồng cải cách chính quyền". Dù phát ngôn viên chính phủ Thái Lan nói rằng cuộc đảo chính "không thể thành công được" nhưng những gì diễn ra sau đó cho thấy quân đội đã thành công. Phát ngôn viên chính phủ cũng không cho biết liệu ông Thaksin có thể trở về Thái Lan ngay lập tức để giải quyết khủng hoảng hay không. Trong khi đó, các thủ lĩnh quân sự tuyên bố trong một chương trình truyền hình trực tiếp rằng quân đội đã kiểm soát được thủ đô Bangkok và một số tỉnh lân cận. Quân đội còn ban bố thiết quân luật trên khắp đất nước.
Hàng trăm binh sĩ đã có mặt khắp nơi tại Bangkok, họ chốt giữ các điểm trọng yếu tại thành phố này. Hãng tin BBC cho biết đã nhìn thấy nhiều binh sĩ với trang phục và vũ khí tương tự lực lượng đặc nhiệm bao vây các tòa nhà của chính phủ. "Không khí rất căng thẳng nhưng vẫn không đến mức quá bạo lực", BBC cho biết. Phóng viên của hãng tin này cũng nói rằng hiện chưa biết Quốc vương Thái Lan Bhumibol có ủng hộ cuộc đảo chính hay không. Đây là cuộc đảo chính đầu tiên tại Thái Lan trong vòng 15 năm qua.
Bế tắc chính trị
Sự kiện đảo chính đêm hôm qua là kết cục của một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài trong nhiều tháng qua. Phe đối lập đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình rầm rộ để đòi ông Thaksin từ chức, cáo buộc nhân vật đứng đầu chính phủ này lạm quyền, tham nhũng và lừa dối sau khi ông bán tập đoàn truyền thông Shin Corp của mình cho một công ty của Singapore với giá 1,9 tỷ USD mà không chịu thuế. Trước làn sóng phản đối dữ dội, ông Thaksin đã phải rời bỏ chiếc ghế thủ tướng trong một thời gian trước khi trở lại nắm giữ quyền lực. Các thông tin bên lề cho biết âm mưu đảo chính đã "hiện diện" tại Thái Lan từ nhiều tuần nay. Trong những ngày gần đây, lực lượng trung thành với Thủ tướng Thaksin đã phát hiện nhiều âm mưu ám sát nhằm vào ông. Trong đó có những vụ phát hiện xe chở bom dừng gần dinh thự của thủ tướng. Đa số những người bị cáo buộc âm mưu ám sát ông Thaksin đều là sĩ quan quân đội và nhiều người trong số này đã bị bắt. Dù tình hình chính trị tại Thái Lan đang hết sức căng thẳng, nhưng cuộc đảo chính diễn ra vào đêm hôm qua vẫn là một cú sốc lớn đối với đất nước Thái Lan và thế giới.
. Theo BBC, AP, TNO |