Diễn biến mới về cuộc đảo chính tại Thái Lan
11:12', 20/9/ 2006 (GMT+7)

"Quân đội Thái Lan dưới sự chỉ huy của tướng Sondhi Boonyaratglin (người Hồi giáo đầu tiên lãnh đạo quân đội Thái Lan) đã lật đổ chính quyền của thủ tướng Thaksin hiện đang ở New York tham dự hội nghị của LHQ" - theo thông báo của tướng Prapass Sakuntanat nhân danh phe đảo chính chính trên đài truyền hình quốc gia. Theo một sĩ quan cao cấp quân đội, phe đảo chính đã chiếm sáu đài truyền hình và nhiều đài phát thanh. Các nguồn tin quân sự cho biết các tướng lĩnh trung thành với thủ tướng Thaksin đang nhóm họp bên ngoài Bangkok. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1992, quân đội chiếm quyền ở Thái Lan.

 

Đảo chính diễn ra khá yên ả nên ô tô dân sự vẫn còn sánh vai với xe tăng ngay trên đường phố Bangkok.

 

Bangkok hoang mang qua lời kể của nhân chứng

Đảo chính xảy ra đêm qua (19-9) nhưng nhiều người dân Thái Lan vẫn chưa tường tận về những gì đã diễn ra. Cư dân Bangkok vẫn ngỡ ngàng. Dưới đây là một số ý kiến:

Sanapath, Bangkok: Tình hình vẫn chưa rõ ràng và người Thái giống như tôi không nhận được thông tin gì từ giới truyền thông ngoại trừ vài mẩu tin nhỏ lẻ được ghi âm trước nói ít nhiều về việc mọi việc đã được kiểm soát...Tôi cho rằng mọi người lúc này đều đang phân vân về việc tại sao tình trạng khẩn cấp được áp dụng. Công bằng mà nói, là công dân Thái chúng tôi phải là những người đầu tiên được biết về việc đó chứ không phải những người đang dự họp Đại hội đồng LHQ.

Robertus, Bangkok: Lúc đó tôi đang trên đường từ ga Hua Lampong tới sân bay, tôi có đi qua tòa nhà chính phủ. Ít nhất 5 chiếc xe tăng đã chặn đường nhưng mọi việc dường như vẫn bình lặng, các cửa hàng ăn đóng cửa, binh sĩ có vũ trang đang tuần tra trên xe máy.

Naruss Mahakkapond, Bangkok: Tôi đang dự một cuộc họp ở trung tâm Bangkok và mọi thứ đã bị cắt ngang, mọi người chạy ào ra khỏi tòa nhà ngay lập tức. Xung quanh Bangkok tràn ngập các binh sĩ có vũ trang, xe tăng. Ở khu Chinatown cũng vậy. Lúc này, tôi đang ở nhà bạn gái. Nơi tôi ở hiện nay gần Hoàng cung.

Greg jorgensen, Bangkok: Từ căn hộ ở tầng 16, tầm nhìn bị hạn chế bởi mưa, xe tăng xuất hiện ở cuối đường. Lúc này, từ căn hộ của tôi - có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố... Điện thoại của tôi reo vang vài phút trước đây với lời cảnh báo của những người bạn.

Từ trên bancông, mọi thứ dường như vẫn ổn nhưng chỉ có thời gian mới có thể trả lời chính xác...Vấn đề hiện nay bắt nguồn từ chính Thủ tướng Thaksin...Nhiều người nghĩ khi ông ra đi mọi việc sẽ lắng xuống.

Russell Miles, Bangkok: Tôi bắt một chiếc taxi tới tòa nhà chính phủ Thái Lan, tới gần nhất có thể. Binh sĩ và những người ăn vận kiểu Swat đang đi vòng vòng. Không khí có vẻ căng thẳng nhưng được kiểm soát. Xe tăng nằm dài chắn các con phố, tôi nhìn thấy một nhóm người đưa một người quay phim và một người khác chui vào trong chiếc xe tải. Chúng tôi được phép chụp ảnh.

 

Người dân Bangkok kéo nhau đi xem các chốt kiểm soát của quân đội, thậm chí còn chụp ảnh. Ảnh:AP

 

Diễn biến vụ đảo chính 

Tân Hoa Xã cho biết lúc rạng sáng ngày 20/9, một nguồn tin của quân đội Thái Lan thông báo ông Surayu Zhulanong sẽ là Thủ tướng mới của Thái Lan. Cuối ngày 19/9 quân đội đã tiến vào thủ đô Bangkok và giành quyền kiểm soát chính phủ. Lãnh đạo lực lượng đảo chính, gồm quân đội và cảnh sát, tuyên bố họ là lực lượng trung thành với nhà vua.

Nguồn tin quân đội cũng cho biết Thủ tướng Thái Lan là Thaksin Shinawatra, hiện đang ở New York tham dự phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp quốc, đã đồng ý từ chức. Tuy nhiên, một ngồn tin khác cho biết Thủ tướng Thaksin tỏ ra "điềm tĩnh" và tuyên bố mình vẫn là Thủ tướng. Trong khi đó, người phát ngôn chính phủ tuyên bố "tình hình trong vòng kiểm soát". Các màn hình TV tại Bangkok liên tục đăng tin nhanh: quân đội đã chiếm Bangkok. Người phát ngôn lực lượng đảo chính đã tuyên bố ban hành luật quân sự và tình trạng khẩn cấp trên toàn Thái Lan.

Tổng chỉ huy quân đội, Tướng Sondhi Boonyaratkalin tuyên bố ông là tổng chỉ huy lực lượng đảo chính. Ông ra lệnh cho các đơn vị quân đội giữ nguyên vị trí và không được di chuyển nếu không có lệnh. Trong một tuyên bố nhanh, phe đảo chính tuyên bố họ chỉ nắm giữ quyền lực tạm thời, và sẽ nhanh chóng "trả lại quyền lực cho nhân dân".

Các quan chức thân cận của Thủ tướng Thaksin đã bị giam giữ còn vợ của Thủ tướng đã chạy sang Singapore. Hiện giờ vẫn chưa biết số phận của 3 người con của Thủ tướng ra sao. Phó Thủ tướng Thái Lan Chidchai Vanasatidya và Tổng tư lệnh tối cao Ruengroj Mahasaranont đã bị bắt. Phó đảng Thai Rak Thai kiêm Bộ trưởng Nông nghiệp bà Sudarat Keyuraphan đã bay sang Paris cùng với gia đình của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Thamarak Israngura na Avuttahya đã kịp trốn thoát và trốn lên phía Bắc Tổng thư ký của Thủ tướng ông Prommin Lertsuridej đang ở nước ngoài cũng hạ cánh xuống Phillipines.

 

Tổng tư lệnh Sondhi Boonyaratkalin (trái), người cầm đầu cuộc đảo chính.

 

Trong khi đó, các nước châu Âu lên tiếng phản đối đảo chính ở Thái Lan. Chủ tịch EU, thủ tướng Matti Vanhanen của Phần Lan, đã bày tỏ quan ngại đối với tình hình ở Thái Lan và cho rằng chính quyền dân chủ nên được phục hồi ngay lập tức.

Đảng Dân chủ Cải tổ, là Đảng đối lập với Đảng Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái) của Thủ tướng Thaksin, đã lên tiếng tuyên bố hậu thuẫn lực lượng đảo chính.

Báo chí quốc tế nói gì về cuộc đảo chính ở Thái Lan?

Báo chí một số nước trong khu vực và thế giới đánh giá cuộc đảo chính đêm 19 rạng ngày 20/9 tại Thái Lan là kết quả của sự mất ổn định kéo dài và Thái Lan sẽ phải cải tổ.

Tờ Strait Times của Singapore, bản điện tử đăng bức ảnh trang nhất với hình hai chiếc xe tăng của quân đội Thái đậu ở một chốt gác dưới ánh đèn đường và một số binh sĩ đứng xung quanh.

Báo này chạy tít lớn cho biết giới quân sự Thái Lan tổ chức đảo chính để lật đổ thủ tướng đương nhiệm Thaksin Shinawatra.

Cũng tại Singapore, truyền thông nước này đưa tin Bộ Ngoại giao Singapore khuyến cáo công dân của họ nếu có kế hoạch đến Thái Lan thì phải theo dõi tình hình cẩn thận. Singapore coi tình hình Thái Lan là chưa ổn định.

Báo ABC của Australia thì chạy tin rằng tư lệnh quân đội Thái, tướng Sondhi Boonyaratkalin ra lệnh cho mọi quân nhân tuân theo lệnh trực chiến. Sau đó, vẫn theo báo này, quân đội Thái tuyên bố họ trao quyền lâm thời vào tay Đức Vua Thái Lan.

Tờ Financial Express của Ấn Độ đưa tin cổ phiếu tại thị trường công nghệ cao Nasdaq ở Hoa Kỳ bị sụt giá một phần trăm sau khi có tin về đảo chính tại Thái Lan.

Báo Anh Financial Times  đã có ngay bài phân tích về tình hình chính trị Thái Lan. Theo bài báo này thì cuộc đấu không phân thắng bại nhiều tháng qua trên chính trường Thái giữa Thủ tướng, tỷ phú Thaksin Shinawatra với các địch thủ của ông đã làm giới kinh doanh rất lo ngại dù có người vẫn tin rằng kinh tế Thái Lan có sức chịu đựng biến động khá tốt.

 

Xe quân sự và binh lính bao vây các tòa nhà chính phủ. Ảnh: AP

 

Nhưng nay, với cuộc binh biến này, theo Financial Times thì Thái Lan thực sự có thể làm “nhiễm độc” không khí làm ăn. Báo này cho rằng kinh tế Thái Lan nổi tiếng tốt về dịch vụ bán lẻ, công nghệ thông tin và du lịch.

Nhưng cuộc khủng hoảng có vẻ như bắt nguồn cả bế tắc trong cách cải tổ ngành bưu chính viễn thông, nơi gia đình ông Thaksin có cổ phần quan trọng. Vụ gia đình ông bán cổ phần cho Temasek của Singapore cũng gây bất bình trong dư luận.

Dù ai lập ra chính phủ mới thì theo Financial Times, Thái Lan sẽ phải cải tổ, hiện đạo hóa luật pháp, đưa luật pháp vào thực tế cuộc sống, nơi mà hiện các đại gia có quá nhiều quyền hành và quyền lợi.

CNN News thì nói từ nhiều tuần qua, tin đồn về chuyện đảo chính ở Thái Lan đã được nói đến và nay thì chuyện đã xảy ra, tuy cho đến chừng nửa đêm giờ Bangkok chưa có dấu hiệu gì về bạo lực hay thương vong.

Nhìn chung, các báo trong vùng và trên thế giới đều nhắc đến vai trò chính trị của ông Thaksin trong cuộc khủng hoảng bầu cử và hiến pháp kéo dài ở Thái Lan và tỏ ý lo ngại về tình hình sắp tới.

. Theo Xinhua, CNN News, BKP,  Financial Times

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Shinzo Abe và chức thủ tướng dọn sẵn  (20/09/2006)
Quân đội Thái Lan đã tiến hành đảo chính  (20/09/2006)
Pin laptop do Sony sản xuất lại bị thu hồi  (19/09/2006)
Nhật trừng phạt tài chính CHDCND Triều Tiên  (19/09/2006)
Philippines: Phát hiện 1.000 kg hoá chất chế tạo bom  (19/09/2006)
Palestine: Đảng Fatah kêu gọi tổ chức bầu cử sớm  (19/09/2006)
Italia: Nổ lớn gây sập nhà, ít nhất 3 người thiệt mạng  (19/09/2006)
Kinh tế Cuba phục hồi và phát triển tốt  (19/09/2006)
Người biểu tình Hungary đốt phá đài truyền hình  (19/09/2006)
Trung Quốc: Tăng cường quân gìn giữ hòa bình tại Lebanon  (18/09/2006)
Nga sẽ xóa nợ cho Iraq 10 tỷ USD  (18/09/2006)
Philippines: Bắt giữ một thủ lĩnh của nhóm Abu Sayyaf  (18/09/2006)
"Mô hình Thụy Điển" bị thách thức?  (18/09/2006)
Thụy Sĩ: Tai nạn trong đường hầm, 6 người thiệt mạng   (17/09/2006)
Mexico: Đảng cánh tả thành lập "chính phủ đồng hành"   (17/09/2006)