|
Quốc vương Thái Lan khuyên các thần dân của mình nên lắng nghe chỉ thị của tướng Sondhi. Cơ hội của ông Thaksin như vậy là đã hết. |
Sau khi tiếp kiến Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej, Tổng tư lệnh lục quân Hoàng gia Thái Lan Sondhi Boonyaratkalin tuyên bố: "Chúng tôi đã giành được quyền lực. Hiến pháp, thượng viện, hạ viện, nội các và tòa hiến pháp đều bị hủy bỏ và giải tán". Tờ Bangkok Post đưa tin Quốc vương Thái Lan đã chính thức chỉ định tướng Sondhi đứng đầu Hội đồng cải cách hành chính (ARC). Đồng thời Quốc vương khuyên các thần dân nên lắng nghe chỉ thị của tướng Sondhi. Động thái này cho thấy hoàng gia đã ủng hộ công khai đối với cuộc binh biến.
Tuyên bố của quân đội
Sau khi quân đội kiểm soát được các tòa nhà chính phủ, tướng Sondhi xuất hiện trên truyền hình để thông báo rằng cuộc đảo chính đã kết thúc không đổ máu. Ông Sondhi đứng trước tấm chân dung lớn của Quốc vương Bhumibol Adulyadej và Hoàng hậu Sirikit, dõng dạc: "Chúng tôi đã giành được quyền lực. Tất cả chúng ta đều thấy rằng thủ tướng đương quyền đã gây ra một vết nứt trầm trọng trong lòng xã hội, ông ấy đã để nạn tham nhũng, tệ con ông cháu cha lan tràn, ông ấy can thiệp sâu vào các cơ quan truyền thông độc lập, làm tê liệt hoạt động của những cơ quan này. Để chính phủ đó tiếp tục điều hành sẽ gây tổn thương cho đất nước. Chính phủ cũng từng nhiều lần xúc phạm Đức vua”.
Ông Sondhi còn cho biết quân đội sẽ "trao lại quyền lực cho nhân dân ngay khi tình hình ổn định" chứ không sử dụng cuộc đảo chính vừa qua để thâu tóm quyền lực. Theo kế hoạch, tướng Sondhi sẽ tạm nắm ghế thủ tướng trong 2 tuần. Sau đó một chính phủ lâm thời sẽ được thành lập để điều hành đất nước đến khi cuộc bầu cử diễn ra, dự kiến vào tháng 10/2007. Thông tin mới nhất còn cho hay Quốc vương Thái Lan đã chuẩn thuận cho tướng Sondhi thực hiện kế hoạch này.
Bắt bớ
Quân đội đã bắt nhiều nhân vật ủng hộ ông Thaksin trong và sau cuộc đảo chính. Hãng tin BBC cho biết Phó thủ tướng Chidchai Vanasatidya, Tư lệnh tối cao quân đội Ruengroj Mahasaranont đã bị bắt. Rạng ngày 20/9, cựu nghị sĩ đảng Thai Rak Thai Surapol bị binh lính chuyển lên một xe quân sự và đưa khỏi sân bay Chiang Mai. Sau đó, một cựu nghị sĩ khác của Thai Rak Thai là Thawee Kraikupti cũng đã bị "lính đưa đi" sau khi phản đối tại Đài dân chủ ở Bangkok. Giám đốc Cơ quan truyền thông đại chúng Thái Lan Mingkwan thì bị bắt vì đã cho phép truyền hình phát lời tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông Thaksin. Trong khi đó, Phó chủ tịch đảng Thai Rak Thai Sudarat Keyuraphan đã bay tới Paris (Pháp) để lánh nạn. Bộ trưởng Quốc phòng Thamarak cũng nhanh chân trốn thoát và đi lên vùng biên giới phía bắc.
Ngay trước cuộc đảo chính, có tin con trai ông Thaksin là Panthongthae đã rời Thái Lan để tới Anh. Phu nhân của thủ tướng bị lật đổ, bà Pojaman, cũng tới Singapore để tìm đường đến xứ sương mù ngay trong đêm binh biến. Trong khi đó, đến hôm qua thì vẫn chưa có tin về hai người con gái của ông Thaksin.
Theo giới quan sát thì dù không có đổ máu, nhưng cuộc binh biến đã khiến tình hình tại Thái Lan trở nên căng thẳng tột cùng. Một bầu không khí sợ hãi bao trùm và rất nhiều người, dẫu bất mãn với chính quyền Thaksin, cũng cho rằng việc thay đổi chính phủ bằng một cuộc đảo chính là "không nên".
Tương lai của ông Thaksin
Sau khi nhận được tin đảo chính trong nước, ông Thaksin đã hủy buổi đọc diễn văn tại kỳ họp thường niên Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ). Báo The Star của Malaysia cho biết ông có thể tới Singapore, nơi phu nhân của mình đã đến đó trong đêm binh biến. Tuy nhiên, sau đó thì ông Thaksin đã đáp máy bay thuê từ New York tới London (Anh). Theo Bangkok Post, có thể vị thủ tướng bị lật đổ chọn London làm điểm bắt đầu cuộc sống lưu vong bởi tại đây ông sở hữu một khu biệt thự sang trọng. Con gái của ông cũng đang du học tại đảo quốc sương mù.
Báo The Nation hôm qua cũng cho biết có thể các thành viên trong nội các Thaksin sẽ thành lập một chính phủ lưu vong. Đây được coi là nỗ lực cuối cùng để cứu vãn quyền lực cho ông Thaksin. Tuy nhiên, hy vọng hầu như không còn bởi vị thủ tướng bị lật đổ đã đánh mất sự ủng hộ từ quân đội. Tồi tệ hơn, tướng Sondhi hôm qua cho biết đang xem xét truy tố ông Thaksin.
Đảo chính ở Thái Lan, ảnh hưởng đến Philippines
Một cố vấn cao cấp của Tổng thống Philippines G.Arroyo hôm qua bày tỏ tin tưởng rằng quân đội nước này sẽ không tiến hành một cuộc đảo chính như tại Thái Lan.
Thư ký tổng thống E.Ermita thông báo ông đã trò chuyện với các sĩ quan quân đội và rằng "không có gì đáng báo động" về sự trung thành của họ đối với Tổng thống. Ermita cho biết bà Arroyo, người bị cáo buộc tham nhũng và gian lận bầu cử, đang theo dõi sát diễn biến ở Thái Lan. Tuy nhiên, ông cho rằng tình hình ở Thái Lan khác với Philippines do Tổng thống Arroyo vẫn đang kiểm soát chặt chẽ quân đội.
Cùng ngày, người phát ngôn quân đội Philippines, thiếu tá E.Torres, cho biết quân đội sẽ không để xảy ra đảo chính, đồng thời cam kết chống trả áp lực của các nhóm đối lập muốn truất phế bà Arroyo. Hồi tháng 2, quân đội Philippines đã phá vỡ một âm mưu lật đổ chính phủ.
. Theo BBC, The Nation |