Hôm qua (20-9) Chánh văn phòng nội các Nhật Shinzo Abe đã đắc cử chức Chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP). Với thắng lợi này, trên thực tế chỉ còn chờ đến ngày 26-9-2006 Quốc hội sẽ nhóm họp phiên đặc biệt để chỉ định, khi ấy ông Abe làm Thủ tướng Nhật Bản trẻ tuổi nhất kể từ năm 1945 đến nay. Khoảng thời gian từ nay đến ngày 26-9 đáng nhớ ấy, câu chuyện mà giới phân tích, bình luận chính trị bàn đến nhiều nhất sẽ liên quan đến thủ tướng đương nhiệm Junichiro Koizumi.
|
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Koizumi, Nhật Bản đã năng động hơn (người đi sau, bên trái chính là Shinzo Abe).
|
Người phẫu thuật nước Nhật
Ngày 26-9 tới đây, ông Koizumi sẽ về hưu ở tuổi 64, để lại một nước Nhật với hình ảnh mới: một chính phủ trung ương tinh giản, gọn nhẹ hơn, với niềm tin mạnh mẽ hơn vào thị trường tự do và khẳng định vị thế mới của mình trong cách giải quyết các vấn đề quốc tế.
Khi lên lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, ông Junichiro Koizumi hứa sẽ phá vỡ những nguyên tắc của đảng này và rộng hơn là phá vỡ những trật tự xơ cứng của một nước Nhật thời hậu chiến. Xét về một khía cạnh nào đó, ông Koizumi đã thành công dù kết quả không hoàn toàn triệt để như ông đã tuyên bố.
Hình ảnh một nước Nhật mới mà ông Koizumi dày công xây dựng không phải người Nhật nào cũng ủng hộ. Các chính sách mà chính phủ do ông Koizumi lãnh đạo triển khai thường không được ủng hộ áp đảo nhưng khi cần trưng cầu ý kiến - ông Koizumi vẫn luôn giành được tỉ lệ phiếu thuận cao của cử tri. Điều này chứng tỏ người Nhật đang khát khao trông chờ một sự lãnh đạo mạnh mẽ đưa đất nước mặt trời mọc vào một tiến trình phát triển mới, năng động hơn.
Hãy thử liên hệ. Ngay lúc này, thủ tướng Anh Tony Blair và nhiều chính trị gia khác phải đang gánh chịu hậu quả do đã tán thành cuộc chiến tại Iraq của Mỹ; hoặc như ở Italia, ông Silvio Berlusconi còn gánh chịu hậu quả còn đau đớn hơn... thì ông Koizumi - người mà cho đến nay cũng chỉ luôn phát biểu trước sau như một là ủng hộ cho cuộc chiến này - lại chẳng hề mảy may bị thiệt hại gì.
Ông Koizumi nghỉ hưu trong sự trân trọng của cử tri Nhật. Họ tin rằng ông Koizumi đã thực hiện lời hứa của mình là làm thức tỉnh một nước Nhật già nua và họ tin rằng người kế nhiệm của ông cũng sẽ tiếp tục sự nghiệp dẫn dắt họ tiến đến nước Nhật mới. Giả sử không phải ông Abe - một người có đường lối làm rất giống với ông Koizumi, ma flaf một người khác thì người đó cũng không thể quay về với kiểu lãnh đạo truyền thống cũ kĩ.
Trình làng một nước Nhật mới
Theo nhận xét của Park Cheol-hee, một chuyên gia nghiên cứu về chính trị Nhật Bản hiện đang công tác tại trường Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, thì: “Ông Koizumi đã làm thay đổi đột ngột mọi thứ về cách lãnh đạo của giới chính trị gia Nhật Bản. Những thủ tướng kế nhiệm sẽ phải tiếp tục đi theo con đường của ông Koizumi. Họ không thể quay trở về thời vàng son xưa cũ với quyết sách dựa dẫm vào các nhóm và quan chức cùng chung quyền lợi. Công chúng trông đợi vào những vị thủ tướng dám nghĩ dám làm với những sáng kiến và chính sách thực sự. Mọi thứ đã thay đổi một cách căn bản”.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về chính trị vẫn đang không ngừng tranh cãi xung quanh mức độ ảnh hưởng của từ chính sách của ông Koizumi đối với sự thay đổi kiểu lãnh đạo ở Nhật hiện nay.
|
Kinh tế Nhật Bản phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ hơn dưới thời Koizumi. Trong ảnh: Một góc vịnh Tokyo về đêm.
|
Trước đây, Đảng Dân chủ Tự do gần như được bảo đảm tuyệt đối quyền lực của mình. Nhưng sau khi nền kinh tế “bong bóng” của Nhật Bản với thị trường bất động sản luôn sốt vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước sụp đổ, tiếp theo là thời gian kinh tế tăng trưởng rất chậm, nước Nhật chẳng còn “nặng túi” như trước. Và vị trí của Đảng Dân chủ Tự do bị lung lay dữ dội.
Việc gì diễn ra tiếp theo? Năm 1993, các đảng nhỏ vốn bị đẩy ra ngòai suốt 10 tháng trong cuộc chạy đua quyền lực đã liên minh lại với nhau và tiến hành nhiều công cuộc cải tổ bầu cử sâu rộng. Chính những động thái này đã đặt nền tảng cho những thay đổi dưới thời ông Koizumi. Có thể gọi đây là một biểu hiện điển hình của nguyên lý "trong họa có phúc".
Ông Koizumi đã khẩn trương thực hiện những chính sách cải tổ kinh tế đầy đau đớn dù cho làn sóng phản đối từ nội bộ Đảng Dân chủ Tự do của ông rất dữ dội. Những thay đổi của ông Koizumi gồm bãi bỏ nhiều ngành công nghiệp, dọn sạch các món nợ xấu của ngành ngân hàng, cắt bỏ hàng lọat các khỏan chi ngân sách công khổng lồ và thường là lãng phí. Đây là những khỏan chi đã giúp cho đảng của ông Koizumi giành được phiếu bầu trong nhiều thập niên.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sự hồi sinh của nền kinh tế Nhật Bản phần lớn, nếu không muốn nói chủ yếu, là nhờ vào việc tái cấu trúc lại nền kinh tế, tư nhân hóa mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả. Và đặc biệt là tăng cường giao thương với Trung Quốc - nền kinh tế phát triển như vũ bão.
Dù bất kỳ lý do gì đi nữa, người ta vẫn không thể phủ nhận một điều là không có ai thích hợp hơn ông Koizumi trong việc đáp ứng yêu cầu thay đổi của nước Nhật lúc đó. Trong thập niên trước khi ông Koizumi được bầu làm thủ tướng, Nhật Bản đã phải chịu đựng hàng lọat nhà lãnh đạo yếu kém, thậm chí lúng túng không biết cách nào để đưa đất nước vượt qua tình trạng ngặt nghèo.
Khi lên nhậm chức, ông Koizumi đã phát biểu thẳng thừng, không giấu giếm với dân Nhật bằng những khẩu hiệu nổi tiếng rằng cần phải chuẩn bị tin thần đón nhận “đau đớn vốn luôn đi cùng với cải tổ cơ cấu”, rằng ông sẽ tiến hành “cải tổ cơ cấu không khoan nhượng”. Chính những lời nói và hành động thẳng tay ấy của ông Koizumi đã giúp ông giành được sự ủng hộ rộng rãi.
Năm 2005, ông Koizumi đã rơi vào tình huống khó xử sau khi nhiều thành viên trong Đảng Dân chủ Tự do của ông bỏ phiếu chống lại dự luật cải tổ hệ thống tiết kiệm bưu điện đồ sộ của Nhật. Hệ thống tiết kiệm này thực chất là dầu bôi trơn cho cỗ máy chính trị của Đảng Dân chủ Tự do suốt từ trước cho đến thời điểm năm 2005. Nhưng ông Koizumi đã đáp lại bằng cách kêu gọi tổ chức bầu cử bất thường.
Sau khi dành được thắng lợi “long trời lở đất”, ông Koizumi dễ dàng dành được sự đồng thuận trong việc tư nhân hóa bưu điện, giúp nó có khả năng sử dụng khoản tiết kiệm khổng lồ của mình để phục vụ nền kinh tế thay vì phục vụ các chính trị gia.
Ông Koizumi mở rộng áp dụng ý tưởng của riêng mình vào chính sách đối ngọai, thiết lập liên minh Nhật - Mỹ sau một thập niên mối quan hệ liên minh này bị ngờ vực. Koizumi đã cố gắng thực hiện đến cùng một đạo luật nhằm đưa quân Nhật sang Iraq. Nhiều người Nhật cho rằng việc làm này của ông Koizumi đi ngược lại tinh thần, nếu không muốn nói là chống lại Hiến pháp của những người Nhật yêu hòa bình. Ông Koizumi đã cột chặt Lực lượng phòng thủ của Nhật Bản với quân đội Hoa Kỳ bằng cách tham gia vào phòng thủ tên lửa.
Tuy nhiên, không phải mọi việc của ông Koizumi đều thành công. Điển hình là ông rất muốn làm ấm mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc nhưng thực tế cách hành xử của ông đã kéo mối quan hệ này xuống tới mức tồi tệ nhất trong vòng vài thập niên trở lại đây. Gây nên làn sóng phản đối của nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và làm cho Nhật Bản bị cô lập trên chính trường ngọai giao khu vực.
Ông Koizumi hàng năm vẫn ghé thăm đền Yasukuni, một đài tưởng niệm của người Shinto, nơi tưởng nhớ cả người đã chết lẫn tội phạm chiến tranh của Nhật. Hầu hết những người tiền nhiệm của ông Koizumi đều tránh đi thăm ngôi đền này vì đối với các nước trong khu vực, nó được xem là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.
|
Nhiều người cho rằng, ông Koizumi sử dụng sự phản đối của các nước bên ngoài đối với việc ông viếng thăm đền Yasukuni nhằm mục đích khơi dậy tính tự ái dân tộc của người Nhật vốn từ lâu đã mất tự tin vì nền kinh tế trì trệ trong một thời gian dài và nỗi lo lắng sợ hãi đang tăng lên trước một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.
|
Chính vì những cuộc viếng thăm của ông Koizumi đến đền Yasukuni đã khiến cho Trung Quốc và Hàn Quốc từ chối không tham gia diễn đàn cấp cao với Nhật Bản.
Tuy nhiên, các nhà phê bình lại cho rằng ông Koizumi sử dụng sự phản đối của các nước bên ngòai đối với việc ông viếng thăm đền Yasukuni nhằm mục đích khơi dậy tính tự ái dân tộc của người Nhật vốn từ lâu đã mất tự tin vì nền kinh tế trì trệ trong một thời gian dài và nỗi lo lắng sợ hãi đang tăng lên trước một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Và đó là một bài học mà ông Shinzo Abe, Tổng thư ký nội các, người kế nhiệm ông Koizumi, sẽ phải ghi nhớ.
Đã đến lúc nghỉ ngơi
Nền kinh tế Nhật Bản đang dần hồi phục dù xét về lâu về dài, sự hồi phục đó vẫn chưa ổn định. Trong làn sóng của những người phản đối chính sách của ông Koizumi, ngày càng có nhiều lời chỉ trích rằng sự thay đổi của ông Koizumi chỉ phục vụ cho lợi ích của người giàu và các tập đòan, khiến cho khỏang cách giàu-nghèo ngày càng lớn, đi ngược với chủ nghĩa quân bình đang được ca ngợi của Nhật Bản.
Ông Koizumi chẳng bận tâm nhiều đến những lo lắng này. Sau khi đã thông qua được bộ luật cải tổ hệ thống tiết kiệm bưu điện vào năm ngóai - một thành công mà ông Koizumi vẫn xem như đó là chất keo để hàn gắn Nhật Bản già cỗi - ông Koizumi đã tỏ ra không còn hứng thú với công việc của mình. Tháng 6-2005, ông từ chối không kéo dài kỳ họp nghị viện dù cho việc lập pháp vẫn còn đang dang dở. Đã có một nước Nhật mới, năng động hơn, mạnh và quyết đoán hơn trên chính trường. Bây giờ Nhật Bản cần có một gương mặt mới lãnh đạo đất nước và họ đã tìm ra.
Ông Koizumi không thể đợi nhiều hơn nữa, đến ngày ông rời khỏi chính trường để sang Mỹ du lịch ở khu giải trí Graceland theo lời mời của Tổng thống G. Bush. Đã đến lúc nghỉ ngơi, ông Koizumi nói gọn gàng như thế.
|