Tướng Sondhi nói rằng ông hành động theo nguyện vọng của người dân Thái Lan và nhấn mạnh chính sự bất tài của chính phủ đã buộc các lãnh đạo cuộc đảo chính phải hành động. Ông Thaksin hiện đã tới London và Bộ Ngoại giao Anh nói đây là một chuyến thăm mang tính cá nhân. Nhiều định chế tài chính tỏ ra quan ngại vì e rằng cuộc đảo chính sẽ tác động xấu đến tốc độ tăng trưởng kinh tế không chỉ của Thái Lan mà còn của những nền kinh tế lân cận do hiệu ứng dây chuyền. Liên Hiệp quốc, Mỹ cũng đã lên tiếng hy vọng tình hình sẽ sớm ổn định... Cuộc đảo chính dù không một tiếng súng nổ nhưng cũng không hề bình lặng, êm ả như người ta nghĩ...
84% dân Thái Lan ủng hộ đảo chính
82% người dân Bangkok và 86% cư dân tại các vùng nông thôn được hỏi khẳng định ủng hộ cuộc đảo chính vì họ tin rằng nó sẽ chấm dứt những căng thẳng chính trị, xã hội hiện thời cũng như là một bước tiến tích cực trên chính trường Thái Lan. Đó là kết quả thăm dò dư luận của ĐH Suan Dusit Rajabhat, gần 84% người dân Thái Lan ủng hộ cuộc đảo chính quân sự diễn ra ở nước này hôm 19-9.
|
Hình ảnh xe tăng xếp hàng dãy dài như thế này trên các đại lộ ở Bangkok có thể khiến những người chống đối ông Thaksin vui mừng nhưng các nhà đầu tư thì không an tâm.
|
Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý cho thấy sự trái ngược với những quan điểm được thừa nhận lâu nay là đông đảo người dân nông thôn ủng hộ Thủ tướng Thaksin. Chỉ có khoảng 16% người dân phản đối đảo chính. Họ viện dẫn rằng nó sẽ gây ra ảnh hưởng bất lợi đối với hình ảnh của Thái Lan trước cộng đồng quốc tế cũng như làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư.
Gần 75% số người được hỏi hy vọng nền chính trị Thái Lan sẽ được cải thiện sau hành động lật đổ chính phủ không đổ máu vừa qua, trong khi 20% cho rằng sẽ không có bất cứ thay đổi đáng kể nào.
Thắt chặt kiểm soát giới truyền thông
Một quan chức quân đội giấu tên cho biết Hội đồng cải cách hành chính (ARC) đã ra lệnh triệu tập những người đứng đầu của tất cả các cơ quan thông tin đại chúng đến tổng hành dinh của quân đội hôm nay (21-9).
Quan chức này cho biết : "Vào lúc 4 giờ chiều nay (21-9), Tổng tư lệnh quân đội - Tướng Sondhi Boonyaratglin sẽ tổ chức một cuộc họp với các giám đốc điều hành các cơ quan truyền thông. Ông ấy sẽ yêu cầu tất cả giới thông tấn, báo chí ngừng cho phát sóng hoặc công bố các thông điệp văn bản từ các độc giả, khán giả, cũng như ngừng tiến hành đăng tải các ý kiến của công chúng."
Hiện nhiều đài truyền hình Thái Lan cho phép khán giả gửi các tin nhắn bộc lộ quan điểm về đảo chính qua điện thoại di động và công chiếu chúng trên một dòng chữ chạy cuối màn hình.
Động thái này của các lãnh đạo quân đảo chính được đưa ra một ngày sau khi quân đội áp dụng lệnh kiểm duyệt nghiêm ngặt giới truyền thông nhằm "tránh việc đưa tin sai lệch", gây hại tới hội đồng ARC lâm thời đang nắm quyền kiểm soát đất nước.
Quan chức quân đội giấu tên cũng khẳng định ARC sẽ bắt đầu cho phát đi các thông cáo của họ trên truyền hình cứ mỗi 2 giờ đồng hồ kể từ 11 giờ sáng.
Phó Thủ tướng Thái bị lật đổ vẫn tranh cử TTK LHQ
Bất chấp cuộc đảo chính vừa xảy ra, phó Thủ tướng Surakiart Sathirathai của chính phủ vừa bị lật đổ vẫn quyết tâm theo đuổi cuộc đua vào ghế TTK LHQ, một quan chức thuộc chính phủ vừa bị lật đổ cho hay hôm 20-9. Khi đảo chính xảy ra, ông Surakiart đang cùng Thủ tướng Thaksin dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York. Theo giới thạo tin, cựu phó Thủ tướng Sathirathai sẽ về tới sân bay quốc tế Don Muang vào lúc 4 chiều nay (21-9).
|
Phó Thủ tướng Thái Lan Tiến sĩ Surakiart Sathirathai (trái) vẫn quyết tâm theo đuổi cuộc đua vào ghế TTK LHQ.
|
Đại sứ Thái Lan tại Mỹ Virasak Futrakul nói: ''Chính quyền mới ở Thái đã tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với Tiến sĩ Surakiart trong cuộc chạy đua vào ghế lãnh đạo LHQ. Sẽ không có bất cứ thay đổi gì. Ông Surakiart vẫn tranh cử''. Trong cuộc đua tranh gay gắt để trở thành người kế nhiệm Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, ông Surakiart đứng ở vị trí thứ 3, sau ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki-moon và phó Tổng thư ký LHQ phụ trách công chúng Shasi Tharoor của Ấn Độ.
Mỹ - Đó là một "bước lùi dân chủ"
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Tom Casey, nhấn mạnh: "Không thể nào bào chữa được cho cuộc đảo chính này. Đây là một bước lùi dân chủ". Chính quyền Washington đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ cuộc đảo chính ngày 19-9 ở Thái Lan và kêu gọi nhanh chóng khôi phục dân chủ tại đất nước đồng minh này. Bày tỏ sự thất vọng, Nhà Trắng kêu gọi các lãnh đạo đảo chính hãy giữ đúng lời cam kết bầu cử. Tuy nhiên, không có yêu cầu nào về việc Thủ tướng bị hạ bệ Thaksin Shinawatra quay trở lại nắm quyền lực.
|
Tướng Sondhi nói rằng ông hành động theo nguyện vọng của người dân Thái Lan và nhấn mạnh chính sự bất tài của chính phủ đã buộc các lãnh đạo cuộc đảo chính phải hành động.
|
Người đứng đầu cuộc đảo chính, Tướng Sondhi Boonyaratglin, đã tuyên bố ngay sau khi đảo chính thành công rằng ông sẽ chỉ định một thủ tướng mới trong vòng 2 tuần lễ. Vị tổng tư lệnh quân đội Thái Lan cũng cam kết chính phủ lâm thời sẽ soạn thảo hiến pháp mới với mục đích khôi phục dân chủ trong vòng một năm.
Theo nhận định của phóng viên BBC Jonathan Beale, Mỹ dường như cố gắng tránh can thiệp nhưng viện trợ của nước này dành cho Thái Lan nhiều khả năng sẽ bị đình hoãn.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử mới ở Thái Lan "càng nhanh càng tốt". "Tổng thư ký đang theo dõi những diễn biến rất quan ngại ở Thái Lan sau khi chính phủ được bầu ở đó bị lật đổ", trích thông báo từ phát ngôn viên của ông Annan. "Tổng thư ký tôn trọng những tiến bộ mà người Thái Lan đã đạt được những năm gần đây... trong việc thiết lập và củng cố các thể chế dân chủ. Ông bày tỏ hy vọng sâu sắc rằng những nỗ lực đó sẽ được phục hồi sớm".
. Theo BBC, THX, AP, The Nation, AFP |