|
Xe tăng được đưa trở lại vào Bangkok giữa những quan ngại là lực lượng quân sự có thể tiếp tục điều khiển chính quyền dân sự. Ảnh: New York Times |
Theo một nguồn tin cấp cao từ chính quyền quân sự Thái Lan, ông Supachai Panitchpaki, người từng giữ chức Tổng giám đốc WTO và hiện là Tổng thư ký Diễn đàn thương mại và phát triển LHQ, đã chấp nhận đề nghị trở thành thủ tướng tạm thời.
Ông Supachai đã bay về Bangkok để thảo luận với lãnh đạo Hội đồng Cải cách dân chủ (CDR). Bước đi này cho thấy một chính phủ dân sự lâm thời đang sắp sửa hình thành tại Thái Lan. Lãnh đạo đảo chính, tướng Sondhi Boonyaratkalin, ngày 26/9 cũng cho biết đã hoàn thành bản dự thảo hiến pháp và đang được các chuyên gia xem xét lại trước khi trình nhà vua vào chủ nhật này. Tướng Sondhi cho hay bản hiến pháp tạm thời sẽ cho phép quân đội giữ vai trò cố vấn cho bất cứ chính quyền lâm thời nào. Lời tuyên bố này cho thấy các nhà cầm quyền quân sự không muốn rút lui hoàn toàn khỏi các hoạt động chính trị.
Trong cuộc họp với các nhà ngoại giao từ 65 quốc gia và 14 tổ chức quốc tế tối 25-9, tướng Winthai - thư ký CDR - thông báo CDR sẽ tiếp tục vai trò của mình để giúp đỡ chính phủ mới điều hành đất nước.
Hội đồng CDR sau khi thành lập chính phủ mới cũng sẽ được đổi tên thành Hội đồng An ninh quốc gia (CNS).
Ông Winthai cũng cam kết rằng CNS sẽ chỉ hỗ trợ việc điều hành đất nước của chính quyền lâm thời để đảm bảo không có lạm dụng quyền lực và rằng “chúng tôi không điều khiển thủ tướng và thủ tướng cũng không điều khiển chúng tôi”.
Tướng Sonthi khi trao đổi với Hãng tin AFP cũng khẳng định là thủ tướng và hiến pháp lâm thời của chính quyền dân sự sẽ được công bố sớm trong một vài ngày. Nhiều khả năng các thông tin này sẽ được công bố vào ngày thứ sáu (29-9).
Sau khi hiến pháp lâm thời có hiệu lực vào tuần tới, hội đồng quân sự sẽ lựa chọn khoảng 250 người để thực hiện vai trò cơ quan lập pháp. Sau đó hội đồng sẽ lựa chọn một hội đồng nhân dân gồm 2.000 đại diện từ các vùng miền, nghề nghiệp, lĩnh vực khác nhau để chọn ra 200 người soạn thảo hiến pháp trong số họ. Những người soạn thảo sẽ có khoảng sáu tháng để viết hiến pháp và khoảng hai tháng rưỡi cho việc rà soát, kiểm tra và trưng cầu ý dân về vấn đề này.
Cùng ngày các báo đều đưa tin cựu tổng giám đốc WTO đã chấp nhận đàm phán với CDR về việc tiếp nhận chức thủ tướng lâm thời trong chính quyền dân sự sắp tới. Các nguồn tin cho rằng đích thân ông chủ tịch Hội đồng cơ mật hoàng gia - tướng Prem Tinsulanonda - đã gặp và thuyết phục ông Supachai chấp nhận chức vụ này.
Tướng Prem là người có ảnh hưởng lớn tới tình hình chính trị Thái hiện tại; chính tướng Sondhi cũng phải trao đổi với tướng Prem về lựa chọn nhân sự trong chính quyền mới. Ngoài ra, việc lựa chọn ứng viên Supachai cũng phù hợp với tuyên bố của tướng Winthai rằng chính phủ mới phải đảm bảo được phát triển kinh tế và đạt được sự công nhận của quốc tế.
Một số nguồn tin cũng cho rằng cho đến nay hội đồng đảo chính và ông Thaksin vẫn đang liên lạc với nhau. Ông Sondhi khi trả lời về vấn đề này cũng nói rằng “ông Thaksin có lẽ không nên về lúc này vì tình hình còn đang bất ổn”. Ông Sondhi vẫn khẳng định là ông Thaksin hoàn toàn có thể trở lại nhưng cảnh báo rằng “như mọi người, ông ta phải tuân theo các qui định của pháp luật”.
Các thủ lĩnh đảo chính tại Thái Lan - “xứ sở nụ cười” - không muốn làm mất hình ảnh nụ cười này cả trong những giờ phút nghiêm trọng. Đài phát thanh quân đội Thái Lan ngày 23-9 nói rằng người dân ủng hộ quân đội hết mình, nên các binh lính hãy cổ vũ hình ảnh này và cười vui, thân thiện và lịch thiệp với mọi người, nhất là trẻ em và những ai muốn chụp ảnh chung với họ.
Không những thế, các ảnh còn cho thấy một số người nước ngoài cầm súng chụp chung với binh lính. Nhiều người Thái mô tả cuộc đảo chính ngày 19-9 là cuộc đảo chính thân thiện nhất tại Thái Lan, vì xảy ra êm thắm và không hề có đổ máu.
. The Nation, AP
|