|
Nhiều ngôi làng tại đảo Java đã bị bùn vùi lấp. |
Sáng 28-9, chính phủ Indonesia đã quyết định đổ hàng triệu tấn bùn xuống biển Java. Lượng bùn này phun ra từ một vết nứt trên mặt đất, đã phủ ngập nhiều làng mạc trên đảo. Bất chấp sự phản đối của các nhà bảo vệ môi trường, chính phủ Indonesia vẫn kiên quyết đổ bùn xuống biển vì nó được xem là biện pháp tối ưu trong tình hình hiện tại nhằm ngăn bùn tràn ngập trên diện rộng.
Gần 400 héc ta đất trên đảo Java bị bùn vùi lấp được xem là "khu vực thảm họa". Hiện chính phủ đang tiến hành tái định cư cho 3.000 hộ dân ở 4 ngôi làng bị bùn vùi. Dự kiến, 8 ngôi làng khác sẽ tiếp tục được di dời tránh lũ bùn trong thời gian tới. Chính phủ đã buộc công ty khai thác khí đốt phải trả 164 triệu USD để lắp đặt các máy bơm bùn và xây đê ngăn bùn lan tràn.
Nhiều người nghi ngờ hiện tượng bất thường này do việc khai thác khí đốt của công ty thuộc gia đình Bộ trưởng Bộ Phúc lợi Xã hội Indonesia gây ra. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, đây là do áp lực tự nhiên tích tụ trong lòng đất, và hiện họ vẫn chưa thể biết khi nào bùn sẽ ngưng phun trào.
Từ tháng 5-2006, hiện tượng này đã xảy ra và để ngăn chặn nó, chính phủ đã cho xây nhiều đê bao ngăn chặn. Tuy nhiên, từ vài tuần qua, nhiều con đê chắn bùn trên đảo bị vỡ, làm bùn chảy lan nhanh, vùi lấp nhiều làng mạc.
|