|
Ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki Moon (phải) và nhà văn, trợ lý TTK LHQ Shashi Tharoor - hai ứng viên sáng giá nhất. Ảnh: AP |
Rạng sáng nay (giờ VN) vòng bỏ phiếu thứ ba chọn tổng thư ký (TTK) LHQ diễn ra tại New York. Theo thể thức, ứng viên TTK phải được Hội đồng Bảo an chọn trên nguyên tắc đạt đa số phiếu, sau đó sẽ được Đại hội đồng với 192 thành viên thông qua.
Tuy nhiên, chỉ cần bị một phiếu phủ quyết của một trong số năm thành viên thường trực HĐBA, sẽ phải tổ chức vòng bỏ phiếu mới. Trong vòng bỏ phiếu hôm nay, ứng viên chỉ được biết họ có bao nhiêu phiếu ủng hộ.
Đến 2-10, trong vòng bỏ phiếu màu (để phân biệt thành viên thường trực và không thường trực), ứng viên mới có thể biết họ có bị phiếu phủ quyết hay không.
Cho đến nay, ứng viên sáng giá nhất vẫn là Bộ trưởng Ngoại giao và ngoại thương Hàn Quốc Ban Ki Moon (dẫn đầu cả hai vòng phiếu). Vòng bỏ phiếu thứ hai (diễn ra hôm 14-9) ông được 14/15 thành viên HĐBA LHQ ủng hộ (so với vòng đầu hôm 24-7, chỉ 12/15). Hai tuần qua, đồn đoán đã diễn ra quanh lá phiếu duy nhất chống ông Ban Ki Moon.
Người ta đoán đó là của Pháp (ông Ban Ki Moon không thông thạo tiếng Pháp). Mỹ và Anh cũng có thể là tác giả, bởi hai nước này muốn phá vỡ nguyên tắc luân chuyển chức TTK theo khu vực (nay là tới lượt châu Á). Tuy nhiên, có vẻ như ông Ban đã được Mỹ bật đèn xanh khi trợ lý ngoại trưởng Chris Hill ngày 27-9 đã khen ông là "nhà ngoại giao chuyên nghiệp" sau khi một hạ nghị sĩ cho rằng ông Ban "thân Trung Quốc".
Ứng viên được xem là có cơ hội hơn cả trong số năm ứng viên còn lại là trợ lý TTK LHQ Shashi Tharoor (người Ấn Độ) - nhà văn và là một quan chức LHQ thâm niên - đã kinh qua hầu hết các lĩnh vực của tổ chức này. Trong vòng bỏ phiếu thứ hai, ông đã về nhì với 10 phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, ưu điểm của Tharoor cũng có thể là nhược điểm, vì một số nước (như Mỹ và Anh) cho rằng một quan chức chuyên nghiệp khó có thể là người cải cách LHQ tốt nhất.
Ông Ban Ki Moon có tài ăn nói mềm mỏng, khả năng ngoại giao khéo léo khiến cộng đồng quốc tế hi vọng ông có thể giúp hàn gắn những bất hòa giữa các thành viên LHQ. Cho đến tận hôm qua, những phát biểu của ứng viên này chưa hề làm phật ý một thành viên quyền lực nào trong năm nước có quyền phủ quyết.
Ông đã đưa ra những lời hứa cải cách LHQ nhưng không kèm theo một quyết định khắt khe nào, cho rằng các kinh nghiệm của ông trong cải cách Bộ Ngoại giao Hàn Quốc có thể giúp ông cải tổ LHQ.
Tân TTK LHQ sẽ nhậm chức ngày 1-1-2007, với mức lương 275.000 USD/năm và một dinh thự nhìn ra sông Đông ở Manhattan. Và nếu không bị một trong năm nước thành viên thường trực bất tín nhiệm thì ứng viên này có thể tiếp tục nhiệm kỳ năm năm thứ hai.
. Theo WP, FT, Kommersant |