|
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (trái) và Chủ tịch Thượng viện Harry Reid (phải) kêu gọi rút quân Mỹ khỏi Iraq theo từng giai đoạn - Ảnh: BBC |
Hôm qua (6-1), một ngày trước khi Tổng thống G. W. Bush công bố chính sách mới của Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq, các nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ ở lưỡng viện đã liên tục gây sức ép không cho tổng thống đưa thêm 10.000-20.0000 quân đến Iraq. Ngay ngày đầu tiên chính thức nắm giữ quyền lãnh đạo Quốc hội (ngày 4-1), người đứng đầu Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ đều tỏ rõ ý kiến phản đối kế hoạch của ông Bush gửi quân đến Baghdad và các vùng lân cận với mục đích giải giáp vũ khí của lực lượng dân quân tại đất nước Trung Đông này. Thay vào đó, họ đề nghị ông Bush xem xét khởi động kế hoạch tái sắp xếp lực lượng quân sự Mỹ tại Iraq theo từng giai đoạn 4-6 tháng, bắt đầu từ công tác huấn luyện, hậu cần và các chiến dịch chống khủng bố tại Iraq. Có thể nói đây là một động thái mạnh mẽ của Đảng Dân chủ, khởi đầu cho cuộc chiến chính trị lớn tại Mỹ. Có khả năng ông Bush vẫn gửi thêm quân đến Iraq nhưng ông sẽ phải trả một cái giá đắt trong sự nghiệp chính trị của mình khi đi ngược làn sóng chỉ trích ngày càng diễn ra gay gắt ở Quốc hội.
Dù muốn dù không, Tổng thống G.W. Bush vẫn buộc phải cân nhắc lại chính sách của mình trong đó có việc thay đổi hàng loạt các chức vụ quan trọng. Thư ký Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Gates sẽ được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng quân đội Mỹ tại Iraq. Adm William Fallon sẽ giữ chức Tư lệnh trưởng tại Iraq và Afghanistan thay cho Tướng John Abizaid. Thiếu tướng David Petraeus sẽ thay George Casey chỉ huy lính bộ binh tại Iraq. Giám đốc Cục An ninh quốc gia John Negroponte sẽ nhường chức cho Phó Đô đốc Hải quân Michael McConnell để đảm nhiệm chức vụ mới, chức Phó Ngoại trưởng. Đại sứ Mỹ tại Iraq Zalmay Khalizad dự kiến sẽ lên thay vai trò Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc của John Bolton. Chức vụ cũ của ông Khalizad sẽ được ông Ryan Crocker, Đại sứ Mỹ tại Pakistan, đảm nhiệm.
|