|
Động thái của Ngân hàng Thuỵ Sĩ có nguy cơ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền phá giá đồng tiền trên toàn thế giới |
Ngân hàng trung ương Thuỵ Sĩ (SNB) hôm 12.3 đã có động thái làm yếu đồng Franc của nước này. Đây là lần đầu tiên 1 ngân hàng trung ương lớn can thiệp vào thị trường hối đoái kể từ khi Nhật Bản phá giá đồng Yên vào năm 2004.
Động thái trên của SNB làm dấy lên lo ngại nhiều nước khác cũng hành động tương tự, dẫn đến một “cuộc chiến tiền tệ” trên toàn cầu.
Được biết, đồng Franc Thuỵ Sĩ đã tăng cao vì các nhà đầu tư tìm kiếm một kênh ẩn nấp an toàn giữa lúc thị trường đang rối loạn. Tháng 10.2008, sau khi Ngân hàng Lehman Brothers nổi tiếng của Mỹ sụp đổ, giá trị đồng Franc Thuỵ Sĩ vọt lên mức kỉ lục 1,43 Franc Thuỵ Sĩ/1 Euro. Vài tuần trở lại đây, tỉ giá hối đoái giữa 2 đồng tiền này lại tiến gần đến mốc đó.
Tuy nhiên, giá của đồng tiền Thuỵ Sĩ đã rơi xuống mức thấp nhất ngay sau khi SNB tuyên bố sức mạnh của đồng Franc Thuỵ Sĩ phản ánh “sự thắt chặt không hợp lý chính sách tiền tệ ” trong khi Thuỵ Sĩ đang cố gắng kìm hãm đà tuột dốc kinh tế nhanh.
SNB đã quyết định mua ngoại tệ trên thị trường ngoại hối nhằm ngăn chặn sự nâng giá nhiều hơn của đồng Franc Thuỵ Sĩ với đồng Euro.
Ngoài ra, SNB còn cắt giảm 0,25% lãi suất khiến các chỉ số lãi suất Libor kỳ hạn 3 tháng chỉ còn dao động trong khoảng 0%-0,75%; công bố kế hoạch áp dụng phương thức nới lỏng định lượng đối với chính sách tiền tệ. Mục đích của SNB là hạn chế nguy cơ xảy ra giảm phát của nền kinh tế Thuỵ Sĩ trong 3 năm tới.
Các nhà phân tích cho rằng quyết định của SNB sẽ làm tăng khả năng nhiều nước trên thế giới vốn đang chịu áp lực lãi suất gần bằng 0% sẽ bước vào cuộc đua phá giá đồng tiền nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng về tiền tệ và tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Nhật Bản “có thể sẽ dẫn đầu trong danh sách”.
|