Trong tuyên bố chung đưa ra sau khi kết thúc cuộc họp 2 ngày tại Anh, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và đang nổi (G-20) đã cam kết thực hiện mọi giải pháp cần thiết để có thể khôi phục tăng trưởng toàn cầu, tuy nhiên dư luận thế giới cho rằng các cam kết này còn quá “yếu” và khó có thể hy vọng một sự đột phá tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Tại hội nghị, Mỹ (được Anh hậu thuẫn) vẫn khăng khăng yêu cầu châu Âu chi tiêu nhiều hơn để đưa kinh tế thoát khỏi cảnh trì trệ. Nhưng châu Âu thì cho rằng điều cần phải làm hơn cả là “đại tu” hệ thống các nguyên tắc tài chính vốn đã gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay.
Châu Âu cho biết họ không muốn làm căng thẳng thêm tài chính quốc gia khi tăng thêm chi tiêu, vì cho tới nay chưa nước nào có được kết quả của những đợt kích cầu, vừa được triển khai cách đây không lâu.
Điểm đồng thuận duy nhất của cuộc họp G-20 là các Bộ trưởng tài chính đồng ý phải tăng cường đóng góp tài chính vào quỹ IMF để quỹ này có điều kiện giúp đỡ các quốc gia gặp khó khăn.
Tuy nhiên 4 nước đang nổi lên trên sân khấu kinh tế thế giới là Nga, Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc chỉ chấp nhận tăng phần đóng góp tài chính vào quỹ IMF ngày nào mà quyền biểu quyết của 4 nước này trong IMF cũng được tăng cường.
Trong tuyên bố chung, các Bộ trưởng G-20 cam kết chống lại bất kỳ hình thức nào của chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời duy trì đầu tư, thương mại “mở”, tiếp tục hỗ trợ khả năng thanh khoản, tái tư bản hoá các ngân hàng, nhất trí tăng cường đáng kể các nguồn lực cho IMF, củng cố việc quản lý, điều hành và phải bảo đảm rằng các thể chế này phản ánh đầy đủ những thay đổi trong nền kinh tế thế giới, người đứng đầu các thể chế tài chính quốc tế cần phải được bổ nhiệm thông qua quá trình lựa chọn dựa trên những phẩm chất minh bạch và công khai...
. Theo SGGP/Bloomberg, Reuters |