|
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng CHDCND Triều Tiên Kim Yong Il kể từ khi lên nhậm chức năm 2007. |
Sáng nay (17.3), Thủ tướng CHDCND Triều Tiên Kim Yong Il đã đến Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức 5 ngày tại Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra giữa thời điểm CHDCND Triều Tiên chuẩn bị phóng vệ tinh lên quỹ đạo vào tháng 4 tới.
Theo Tân Hoa Xã, Thủ tướng Kim đã có mặt tại Bắc Kinh sáng nay và sẽ gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, tham dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tháp tùng Thủ tướng Kim gồm các bộ trưởng trong chính phủ như: Bộ trưởng nông nghiệp, Bộ trưởng văn hoá, Bộ trưởng công nghiệp và Bộ trưởng ngoại thương.
Dự kiến sau khi đến Bắc Kinh, Thủ tướng Kim sẽ bay đến tỉnh Sơn Đông và có chuyến thăm một ngày tại tỉnh phía đông Trung Quốc này.
Mặc dù chuyến đi nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ song phương, tuy nhiên dự kiến kế hoạch phóng thử nghiệm vệ tinh của CHDCND Triều Tiên sẽ là đề tài chính trong các cuộc thảo luận giữa hai bên. Nhiều nhà phân tích cho rằng, CHDCND Triều Tiên đang muốn tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc đối với kế hoạch phóng vệ tinh của họ.
CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng vệ tinh đi từ ngày 4 đến ngày 8.4 tới, tuy nhiên Mỹ và nhiều nước đồng minh đang lo ngại đó có thể là một vụ phóng thử nghiệm tầm xa nhất của Bình Nhưỡng.
Trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao gần đây, các quan chức Mỹ và Nhật Bản nói rằng Trung Quốc phản đối kế hoạch phòng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên cho đến nay Bắc Kinh vẫn chưa công bố công khai bất kì sự phản đối nào của mình.
Trung Quốc là một trong những đồng minh thân cận nhất của CHDCND Triều Tiên và là đối tác thương mại quan trọng nhất của Bình Nhưỡng.
Trung Quốc cũng là nước chủ nhà tổ chức các cuộc đàm phán 6 bên về giải giáp hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, vốn bắt đầu từ năm 2003 nhưng đã bị bế tắc kể từ tháng 12.2008.
Theo thoả thuận quan trọng mà các bên đạt được hồi năm 2007, CHDCND Triều Tiên đồng ý giải giáp chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy viện trợ năng lượng và những nhượng bộ chính trị.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán, bao gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên, đã rơi vào bế tắc khi các bên bất đồng về các phương pháp thẩm định hạt nhân.
|