|
Tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến chính phủ Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết việc làm cho phần đông dân số nghèo trong nước. |
Ngân hàng thế giới (WB) hôm 18.3 đã cắt giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2009 từ 7,5% xuống còn 6,5% do hoạt động xuất khẩu bị giảm sút. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có thể duy trì là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới bất chấp cuộc khủng hoảng đang lan rộng.
Đây là mức hạ lần thứ hai của WB đối với dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2009. Lần dự báo trước đó hồi tháng 11.2008 là 9,2%.
Theo bản báo cáo đánh giá hàng năm của WB, xuất khẩu của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng khá nặng do cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng lan rộng, ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Điều này chắc chắn sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2009 và 2010.
Nếu như trong tháng 1.2009, xuất khẩu Trung Quốc giảm ở mức 17,5%, thì vào tháng 2 nó lại tiếp tục rớt xuống mức 25,7%. Đây là con số tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua.
Nhập khẩu trong tháng 2 của Trung Quốc cũng giảm còn 24,1%.
Tuy nhiên, mặc dù kinh tế Trung Quốc đang phải chịu tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nó vẫn có khả năng trụ vững, báo cáo cho biết.
Các ngân hàng của Trung Quốc phần lớn không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong khi nền kinh tế càng đảm bảo hơn nhờ vào gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 Nhân dân tệ.
GDP của Trung Quốc trong năm 2008 tăng 9%. Chính phủ nước này đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2009 là 8%.
Tuy nhiên, theo ông Zhang Hanya, một chuyên gia kinh tế của Uỷ ban cải cách và phát triển quốc gia, các nhà hoạch định kinh tế hàng đầu Trung Quốc dự báo tăng trưởng GDP sẽ tăng đến 10% trong năm nay nếu các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ thành công.
|