|
Trung Quốc và Nga kêu gọi xây dựng một đồng tiền dự trữ siêu chủ quyền mới và đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ của các định chế tài chính thế giới |
Trong khi Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp sửa nhóm họp tại London vào ngày 2.4, bốn nước gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (BRIC) và các nền kinh tế đang nổi khác nhấn mạnh phải để cho các quốc gia đang phát triển cất tiếng nói lớn hơn trong quá trình thảo luận cơ chế tài chính đa phương cũng như tiến trình hoạch định chính sách liên quan.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay đã làm bộc lộ những khiếm khuyết của hệ thống tài chính quốc tế. Một số nền kinh tế phát triển độc quyền chi phối hệ thống tài chính toàn cầu, đẩy các nước đang phát triển ra ngoài lề một cách không công bằng.
Vì vậy, BRIC và các nền kinh tế đang phát triển khẳng định cần phải sửa chữa hệ thống tài chính quốc tế hiện hành và yêu cầu các quốc gia liên quan kiềm chế hành động bảo hộ mậu dịch.
Trung Quốc đã kêu gọi xây dựng một đồng tiền dự trữ siêu chủ quyền mới thay thế các đồng tiền dự trữ quốc gia hiện nay, đặc biệt là đồng USD. Nga cũng nhiệt tình ủng hộ ý tưởng này. Brazil thì đề nghị trao thêm quyền bỏ phiếu và quyền tham gia hoạch định chính sách cho các nền kinh tế đang nổi trong các định chế tài chính quốc tế như IMF, WB. Mexico khẳng định sẽ sát cánh cùng Argentina và Brazil tại Hội nghị thượng đỉnh G20 để nâng cao vị thế của châu Mỹ La tinh và kêu gọi các định chế tài chính quốc tế phân bổ nhiều nguồn vốn viện trợ hơn cho các quốc gia đang phát triển.
Ngoài ra, BRIC cũng đang thực hiện các biện pháp kích cầu nội địa, tăng cường chia sẻ thông tin về các đồng tiền dự trữ và hợp tác chính sách, ủng hộ siết chặt qui định đối với các định chế tài chính khác nhau.
Đối với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mà một số nước châu Mỹ và châu Âu đang áp dụng, BRIC cam kết sẽ chống lại đến cùng vì cho rằng hành động bảo hộ sẽ làm cho tình hình khủng hoảng thêm trầm trọng, tác động tiêu cực hơn đến các quốc gia đang phát triển.
Ấn Độ kêu gọi các nước phát triển tôn trọng các lợi ích của thế giới đang phát triển và nhắc đi nhắc lại rằng cần phải trừng phạt những nước thực thi chủ nghĩa bảo hộ. Brazil khẳng định sẵn sàng tái khởi động các cuộc đàm phán tự do thương mại thế giới như Vòng đàm phán Doha để tích cực bảo vệ quyền lợi của các nước đang phát triển.
|