|
Vẫn có một tín hiệu lạc quan là châu Á đang ở trong tình trạng đối phó với khủng hoảng tốt hơn những năm 1997-1998 |
Báo cáo mới ra hôm 31.3 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Á sẽ rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính tại châu Á vào năm 1997-1998.
“Viễn cảnh ngắn hạn của nền kinh tế khu vực là ảm đạm vì tác động toàn phần của tình trạng suy thoái nặng nề của các nền kinh tế công nghiệp đang chuyển sang các thị trường mới nổi”- Quyền kinh tế trưởng ADB Jong-Wha Lee nói.
Báo cáo “Viễn cảnh phát triển châu Á năm 2009” dự báo tốc độ phát triển kinh tế tại châu Á sẽ chỉ dừng lại ở mức 3,4% trong năm 2009, giảm mạnh so với mức 6,3% trong năm 2008 và 9,5% trong năm 2007. Có thể đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng sẽ lên lại tới 6% nếu kinh tế toàn cầu khôi phục nhẹ trong năm tới.
“Điều đáng lo ngại cho khu vực châu Á, đặc biệt đối với người nghèo của khu vực này, là không rõ liệu Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản có hồi phục kinh tế sớm vào năm sau hay không”.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp buộc các nước châu Á phải mở rộng nền tảng kinh tế của mình và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu.
Tuy nhiên, báo cáo vẫn đưa ra một nhận xét tích cực là châu Á vẫn đang ở trong tình trạng đối phó với khủng hoảng tốt hơn những năm cuối của thập niên 1990.
“Dự trữ ngoại tệ lớn và sự giảm đều tỉ lệ lạm phát sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách có nhiều công cụ cần thiết chèo chống đưa nền kinh tế qua thời điểm khó khăn chờ đợi phía trước”.
Một số chính phủ châu Á trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã phản ứng nhanh nhạy đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay bằng những gói kích thích kinh tế lớn và thay đổi trong chính sách tiền tệ, giúp hạn chế phần nào tác động của khủng hoảng.
|