|
Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ đưa ra cam kết cắt giảm vũ khí hạt nhân của Mỹ, biến Hiệp ước cấm thử nghiệm toàn diện vũ khí hạt nhân (CTBT) thành hiệu lực |
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay (5.4) đã đến CH Czech để tham dự một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU). Chủ đề quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của tổng thống Mỹ là vấn đề giảm bớt sự phát triển hạt nhân.
Theo thông báo của Nhà Trắng, bài phát biểu chính của ông Obama tại hội nghị sẽ đề cập đến viễn cảnh 1 thế giới không có vũ khí hạt nhân. Bản thân ông Obama sẽ đưa ra cam kết cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân của Mỹ, biến Hiệp ước cấm thử nghiệm toàn diện vũ khí hạt nhân (CTBT) thành hiệu lực đồng thời đề xuất những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với các nước phá vỡ nguyên tắc không phát triển vũ khí hạt nhân.
Nhiều người hi vọng ông Obama sẽ kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân và xây dựng những mối quan hệ đối tác mới nhằm ngăn chặn sự mở rộng vũ khí hạt nhân.
Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra chỉ vài giờ sau vụ phóng tên lửa gây nhiều tranh cãi của CHDCND Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ đã lên án vụ phóng, cho rằng Bình Nhưỡng đã tự cô lập mình khỏi cộng đồng quốc tế và nên kiềm chế các hành động “khiêu khích” nhiều hơn. Ông chủ Nhà Trắng, do đó, vẫn giữ cam kết tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán sáu bên nhằm giải trừ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Ngoài ra, ông Obama sẽ gặp gỡ và thảo luận với các nhà lãnh đạo của 27 nước EU về nhiều vấn đề khác thay đổi khí hậu, an ninh năng lượng.
CTBT hiện không thể có hiệu lực vì nhiều cường quốc hạt nhân như Mỹ và Trung Quốc chưa phê chuẩn, Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa đặt bút ký.
Mục đích ban đầu của chuyến đi đầu tiên của tổng thống Mỹ tới Đông Âu sau 20 năm Chiến tranh lạnh kết thúc là nhằm nêu bật vai trò Chủ tịch luân phiên EU của CH Czech. Tuy nhiên, sau khi chính phủ của Thủ tướng CH Czech Mirek Topolanek bị buộc phải từ chức vì không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng trước, mục đích chuyến đi của ông Obama đã phải điều chỉnh sang vấn đề giảm trừ vũ khí hạt nhân.
|