Tên lửa đánh chặn vẫn án binh bất động
HĐBA LHQ sẽ nhóm họp khẩn cấp theo yêu cầu của Mỹ và Nhật Bản sau khi CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa. 15 thành viên của HĐBA LHQ bắt đầu cuộc họp lúc 19 giờ GMT ngày 5.4 (tức 2 giờ sáng ngày 6.4, giờ VN).
|
Hình ảnh của Đài truyền hình KBS (Hàn Quốc) khi tên lửa của CHDCND Triều Tiên rời bệ phóng.
|
Trước đó, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ra thông báo viết: “Các nhà khoa học và các nhân viên kỹ thuật của chúng ta đã đưa vệ tinh viễn thông Kwangmyongsong-2 vào quỹ đạo thành công bằng tên lửa Unha-2 trong dự án phát triển không gian của chúng ta”.
KCNA cho biết tên lửa rời bệ phóng tại bãi phóng Musudan-ri ở bờ biển Đông Bắc của CHDCND Triều Tiên lúc 11 giờ 20 phút sau đó đưa vệ tinh đi vào quỹ đạo lúc 11 giờ 29 phút.
Tuy nhiên, trên website của mình, Bộ Chỉ huy quân sự khu vực Bắc Mỹ cho biết CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa 3 tầng đã thất bại. Tầng thứ nhất rơi xuống biển Nhật Bản, 2 tầng còn lại cùng rơi với vệ tinh xuống Thái Bình Dương. Mỹ cho biết không thấy dấu hiệu nào từ vệ tinh mà phía Triều Tiên cho là vừa bay vào quỹ đạo.
Hàn Quốc cũng cho rằng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên đã không thể vào quỹ đạo. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng thực chất của vụ phóng này là để thử nghiệm tên lửa tầm xa Taepodong-2.
Nhật Bản đưa tin tên lửa của CHDCND Triều Tiên đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản hướng về Thái Bình Dương và không có sự cố nào xảy ra.
Hãng tin AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tầng thứ nhất của tên lửa đẩy rơi xuống vùng biển phía Tây Nhật Bản, tiếp giáp với vùng biển của bán đảo Triều Tiên, cách bờ biển Nhật Bản 280km. Tầng thứ hai rơi xuống Thái Bình Dương, cách bờ biển phía Đông Bắc của Nhật Bản 1.270km.
Nhật Bản đã đưa tàu ra vùng biển của mình để trục vớt và xem xét hai tầng của tên lửa này. Trong khi đó, Hãng tin Kyodo đưa tin không có tên lửa đánh chặn nào bắn vào tên lửa của CHDCND Triều Tiên và không có báo cáo nào về thiệt hại trên mặt đất.
Phát biểu với các phóng viên tại Văn phòng Thủ tướng, Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cho biết Chính phủ Nhật Bản đang tiếp tục theo dõi vụ việc này, đồng thời chỉ thị chính phủ phải xác nhận sự an toàn lãnh thổ của Nhật Bản cũng như các vùng hoạt động của tàu thuyền Nhật Bản, tiếp tục thu thập thông tin và cung cấp thông tin kịp thời cho công chúng.
Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Takeo Kawamura tuyên bố Nhật Bản “rất lấy làm tiếc” về việc CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa và Nhật Bản “phản đối mạnh mẽ” việc này.
|
Đường bay của tên lửa từ đồ hoạ của Đài truyền hình NHK Nhật Bản.
|
Nga và Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế
Trong khi đó, người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Lee Dong-kwan tuyên bố Hàn Quốc “lấy làm tiếc về vụ phóng tên lửa liều lĩnh” của Triều Tiên, coi đây là “mối đe doạ nghiêm trọng đối với an ninh trên bán đảo Triều Tiên và thế giới”.
Ông Lee cũng tuyên bố Seoul sẽ có biện pháp “kiên quyết” đối với hành động của CHDCND Triều Tiên.
Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố việc Triều Tiên phóng tên lửa là “một hành động khiêu khích” và Mỹ “sẽ có những biện pháp thích hợp”.
Phát biểu tại Cộng hoà Czech trước khi có bài diễn văn quan trọng về chống phổ biến vũ khí hạt nhân, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Với hành động khiêu khích này, CHDCND Triều Tiên đã phớt lờ các nghĩa vụ quốc tế của họ, bác bỏ mọi lời kêu gọi kiềm chế và tiếp tục tự cô lập mình khỏi cộng đồng thế giới”.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết ông “lấy làm tiếc khi CHDCND Triều Tiên chống lại những lời kêu gọi quốc tế để tiếp tục phóng tên lửa” vào giai đoạn đàm phán 6 bên về giải giáp hạt nhân của Triều Tiên đang bế tắc.
EU cũng ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ phóng. Cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đều cho rằng ngay cả khi CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh cũng đã vi phạm nghị quyết của LHQ hồi tháng 10.2006 lên án các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân lúc đó.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã có phản ứng thận trọng trước vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho biết Nga đang xem xét liệu CHDCND Triều Tiên có vi phạm nghị quyết LHQ hay không đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, tránh gây thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho Hãng tin Interfax biết rằng radar của Nga cho rằng đây là vụ phóng vệ tinh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết phía CHDCND Triều Tiên đã thông báo cho Trung Quốc biết về vụ phóng này theo đó họ phóng vệ tinh viễn thông mang tính thực nghiệm.
“Chúng tôi hy vọng các bên liên quan giữ bình tĩnh và kiềm chế, xử lý đúng vấn đề, cùng nhau hợp tác để đảm bảo hoà bình và ổn định ở khu vực”, ông Tần Cương nói.
. Theo TTXVN
Việt Nam hy vọng các bên thận trọng, giữ ổn định khu vực
Trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về phản ứng của Việt Nam đối với việc CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh Kwangmyongsong-2, ngày 5.4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng, nói: Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) và một số hãng thông tấn quốc tế khác, vào khoảng 9 giờ 30 phút sáng giờ Hà Nội ngày 5.4.2009, CHDCND Triều Tiên đã phóng vệ tinh viễn thông Kwangmyongsong-2.
Việt Nam chú ý đến diễn biến nói trên; hy vọng các bên liên quan phản ứng thận trọng và xử lý thoả đáng, không để tình hình trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến hoà bình, ổn định ở khu vực Đông Bắc Á. |
|