Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ kiêm Trưởng đoàn đàm phán Mỹ về thương lượng cắt giảm vũ khí hạt nhân với Nga Rose Gottemoeller hôm 7.4 cho biết bà cảm thấy lạc quan về tiến trình đàm phán cắt giảm đầu đạn hạt nhân giữa Washington và Moscow, hi vọng 2 bên sẽ đạt được thoả thuận vào cuối năm nay như dự kiến. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng gợi ý khả năng dời thời hạn này xa hơn.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề thanh tra và phục tùng chính quyền dự báo các cuộc đàm phán sắp tới giữa Mỹ và Nga về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START 2) thay thế cho START 1 sắp sửa hết hiệu lực vào ngày 5.12 tới sẽ diễn ra một cách gay go.
“Tôi phải nhấn mạnh rằng đây là một nhiệm vụ khó khăn dù có thể hoàn thành được. Vì vậy, chúng tôi cần phải tập trung chú ý vào mục tiêu đề ra cho 6 tháng tới và phải làm việc một cách thận trọng. Nếu mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ, ta không thể hấp tấp chấm dứt nỗ lực cho đến khi đạt được mục tiêu. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để đàm phán có kết quả…nhưng nếu cần thì chúng tôi sẽ tìm nhiều cách giãn thời gian đàm phán”-bà Gottemoeller nói tại một hội nghị do Tổ chức Carnegie Hành động vì hoà bình quốc tế chủ trì.
Bà Gottemoeller vừa mới được bổ nhiệm vào vị trí trưởng đoàn đàm phán của Mỹ hôm 6.4. Cùng ngày, bà Gottemoeller đã trao đổi người đồng nhiệm Nga Sergei Kislyak để thống nhất ngày gặp gỡ khởi động đàm phán trong thời gian sớm nhất.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng nhiệm Nga Dmitry Medvedev đã gặp gỡ nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại London (Anh) và đã đưa cam kết sẽ thay thế START 1 ký kết năm 1991 bằng một hiệp ước mới tương tự.
Thoả thuận đề xuất cắt giảm vũ khí mới sẽ vượt xa Hiệp ước cắt giảm vũ khí phòng thủ chiến lược (SORT) ký kết năm 2002. Theo SORT, cả Nga và Mỹ đều phải cắt giảm số đầu đạn hạt nhân của mình xuống còn 1.700-2,200 vào năm 2012.
Một trong những trở ngại trong đàm phán Nga-Mỹ lần này là 2 bên vẫn còn nhiều điểm bất đồng về cách thức thống kê số đầu đạn hạt nhân và về việc liệu có nên lưu trữ hay phá huỷ số đầu đạn hạt nhân gỡ ra từ tên lửa. Ngoài ra, Moscow muốn đưa vấn đề lá chắn tên lửa mà Mỹ dự kiến triển khai tại Trung Âu vào trong START 2 trong khi Mỹ kịch liệt phản đối, đòi tách riêng thành 2 chủ đề đàm phán khác nhau.
|