|
Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cho biết mục tiêu trung và dài hạn của chính phủ Nhật Bản là đẩy GDP thực của nước này tới 1,193 tỉ USD và tạo ra 4 triệu việc làm mới |
Chính phủ Nhật Bản sắp sửa cung cấp 50.000 tỉ Yên (khoảng 497 tỉ USD) dưới dạng bảo lãnh cho vay đối với các định chế tài chính liên kết chính phủ. Mục đích là nhằm mua các loại chứng khoán trên thị trường như một phần trong kế hoạch kích thích kinh tế kỉ lục tiêu tốn của chính phủ 15.400 tỉ Yên (khoảng 154 tỉ USD).
Gói kích thích mới chiếm tới 3% GDP, nhấn mạnh nỗ lực của chính phủ Nhật Bản trong hành động chống lại ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu lên nền kinh tế đất nước Phù Tang.
Nhà kinh tế trưởng thuộc trường đại học Macquarie tại Tokyo Richard Jerram nhận xét gói kích chích sẽ tạo ra “động lực kích cầu mạnh mẽ nền kinh tế trong nước”.
Gói kích thích cũng bao gồm có giải pháp cắt giảm tới 40 triệu Yên (khoảng 398.000 USD) tiền thuế đánh vào khoản tiền cha mẹ cho con cái mua nhà, giải pháp thúc đẩy năng lượng mặt trời, giải pháp khuyến khích ngân hàng cho doanh nghiệp vay và hỗ trợ người thất nghiệp.
Chi tiết kế hoạch kích thích kinh tế dự kiến sẽ được công bố trong ngày hôm nay (10.4).
Tổng thư ký nội các Nhật Takeo Kawamura thông báo với báo giới rằng chính phủ có nhiều khả năng sẽ phát hành trái phiếu xây dựng và trái phiếu thâm hụt ngân sách trị giá tới 11.000 tỉ Yên (110 tỉ USD) để bù vào khoản chi thêm kích cầu này.
Giá các loại cổ phiếu tại Tokyo đã tăng vì hi vọng gói kích thích kinh tế mới giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong nước. Chỉ số Nikkei trung bình tăng 3,74 điểm, dừng ở mức 8.916,06 điểm. Tuy nhiên, trái phiếu lại rớt giá vì lo ngại khoản nợ khổng lồ mới của chính phủ.
Trong diễn biến liên quan khác, Thủ tướng Nhật Taro Aso đã công bố chiến lược tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn của Nhật Bản nhằm thúc đẩy GDP thực của nước này lên tới con số 120.000 tỉ Yên (1,193 tỉ USD), tăng 24% so với GDP thực của năm 2008. Đồng thời, chiến lược còn hướng đến mục tiêu tạo ra 4 triệu việc làm mới.
Ngoài ra, ông Aso còn cam kết sẽ hỗ trợ tài chính thông qua đầu tư cho xây dựng cơ bản và các loại đầu tư khác cho các nền kinh tế châu Á khác nhằm tăng gấp đôi giá trị GDP của châu lục này vào năm 2020.
|