Ngày 16.4, Mỹ đã thúc giục Somalia phải tiêu diệt tận gốc các toán cướp biển đang hoành hành trắng trợn ngoài khơi vùng Sừng châu Phi. Đáp lại lời kêu gọi này, Thủ tướng Somalia Omar Abdirashid Ali Sharmarke nói ông có thể theo đuổi chiến dịch truy quét hải tặc nếu các quốc gia khác tiếp thêm cho Somalia các nguồn lực cần thiết.
Đó là cách tốt nhất triển khai thêm các chiến dịch tìm và tiêu diệt bọn cướp biển sâu bên trong quốc gia không có luật lệ Somalia, điều mà Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã cho phép nhưng hiếm khi được thực hiện.
Thủ tướng Somalia tiết lộ với hãng tin AP rằng ông đã sẵn sàng đưa ra kế hoạch chống cướp biển của mình tại một hội nghị quốc tế về Somalia tổ chức tại Brussels (Bỉ) vào tuần tới.
Cộng đồng quốc tế đang đau đầu tìm ra giải pháp đối phó với nạn cướp biển ngày càng tăng tại vùng Sừng châu Phi, nơi có những tuyến đường vận tải biển sầm uất nhất thế giới.
Ngày 16.4, tại Nairobi (Kenya), ông Sharmarke và Tổng thống vùng bán tự trị Puntland đã gặp gỡ các nhà ngoại giao Mỹ, trong đó có đại sứ Mỹ tại Kenya (nước có biên giới giáp với Somalia) để kêu gọi các nước khác, đặc biệt là Mỹ giúp đỡ tài trợ cho Somalia chống cướp biển.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Wood đã trả lời Mỹ sẵn lòng giúp đỡ nhưng chưa biết giúp cách nào là tốt nhất.
Ông Sharmarke khẳng định chính phủ của ông này sẵn sàng chia sẻ thông tin nhằm thúc đẩy sáng kiến mới của Mỹ về việc phong toả tài sản của bọn cướp biển và theo dõi đường lưu chuyển tiền chuộc trị giá hàng tỉ USD của chúng.
Theo nhà lãnh đạo Somalia, có một số doanh nhân hùng mạnh đứng đằng sau lực lượng cướp biển. Chính phủ của ông Sharmarke còn phát hiện ra một vài chính trị gia cao cấp liên quan đến hải tặc qua thông tin khai báo của một tên bị bắt.
Chính phủ Somalia đang soạn thảo kế hoạch chống cướp biển bằng cách xây dựng lực lượng quân đội và thiết lập các trạm thu thập thông tin tình báo dọc bờ biển. Mục tiêu này sẽ trở thành không tưởng nếu thiếu nguồn lực hỗ trợ vì chính phủ của ông Sharmarke hiện chỉ kiểm soát một diện tích nhỏ ở thủ đô Mogadishu, nơi đang được lực lượng gìn giữ hoà bình châu Phi bảo vệ.
|