|
Mục tiêu giảm 1/2 dân số thế giới sống trong đói nghèo vào năm 2015 trở nên xa vời vì thiếu các cam kết mạnh mẽ và tình hình phát triển nông nghiệp không bền vững. |
Dự thảo báo cáo của các bộ trưởng nông nghiệp các nước thuộc G8 hôm 19.4 khẳng định nỗi lo về việc làm thế nào để nuôi sống thế giới đang phát triển vẫn sẽ tiếp tục tồn tại vì các chương trình xoá đói giảm nghèo không có tiến triển gì cộng thêm với khó khăn trong cân bằng giữa cung và cầu vẫn đeo bám dai dẳng.
“Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc có nhắc đến mục tiêu giảm một nửa dân số thế giới sống trong nghèo khó và thiếu ăn vào năm 2015. Tuy nhiên, dựa trên những số liệu thống kê đáng báo động của các cơ quan quốc tế liên quan cung cấp, chúng ta còn rất xa mới đạt được mục tiêu đó”.
Cam kết xoá đói giảm nghèo cho hàng triệu người trên hành tinh đã mờ nhạt vì tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong lúc đó, nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại an ninh lương thực thế giới sẽ còn tiếp tục bất ổn vì giá cả lên xuống thất thường và trạng thái cân bằng giữa cung và cầu rất mong manh.
Mặc dù giá lương thực đã giảm nhưng vẫn còn ở mức khá cao so với các mức giá thấp của thời gian trước khi xảy ra khủng hoảng thiếu lương thực. Kinh tế thế giới suy thoái sâu đồng nghĩa với số lượng người sống trong đói nghèo đã tăng lên nhanh chóng kể từ năm ngoái.
Tổ chức cứu trợ quốc tế Oxfam kết luận hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày tại miền bắc Italy lần đầu tiên qui tụ bộ trưởng nông nghiệp các nước thuộc G8 và G5 mới đây đã “thất bại nặng nề” vì thiếu các cam kết vững chắc về chống khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Ý tưởng thành lập các kho dự trữ ngũ cốc trên toàn cầu trở thành một điều mơ hồ vì nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã lên tiếng bày tỏ nghi ngờ về cách thức vận hành hiệu quả một hệ thống dự trữ lương thực lớn như vậy. Thậm chí, các nước này còn không tin rằng hệ thống này sẽ hoạt động được hay không nhất thiết phải được thành lập.
Hiện nay, rộ lên xu hướng chính phủ nhiều nước đầu tư vào các dự án nông nghiệp ở nước ngoài với hi vọng đảm bảo hơn nữa an ninh lương thực và giảm bớt chi mua các loại ngũ cốc chính. Hiện tượng này đã gặp phải sự chỉ trích gay gắt vì lo ngại các chính phủ đầu tư chỉ quan tâm đến lợi ích của nước mình mà lãng quên lợi ích của người dân địa phương nơi họ đầu tư.
Các nhà lãnh đạo 2 tổ chức của LHQ gồm Tổ chức Nông lương (FAO) và Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) kêu gọi phải tiến hành các dự án xuyên biên giới về đất nông nghiệp trên cơ sở 2 bên cùng có lợi và giúp thúc đẩy đảm bảo an ninh lương thực.
Các nước thuộc G8 gồm có Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Nga, Anh và Mỹ. Các nước thuộc G5 gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico và Nam Phi.
Dự thảo báo cáo cuối cùng sẽ hoàn tất trong ngày hôm nay (20.4).
|