|
Một thách thức về vấn đề pháp lý là làm sao khởi tố những kẻ bị tình nghi liên quan đến hải tặc và khởi tố chúng tại đâu |
Một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của Mỹ hôm 20.4 cho hay Mỹ ít có khả năng tấn công hải tặc Somalia vào tận sào huyệt của chúng trên đất liền vì lo ngại sẽ gây ra nhiều thương vong cho dân thường và tạo cớ để bọn cướp biển câu kết với lực lượng Hồi giáo nổi dậy. Tuy nhiên, Mỹ có thể sẽ giúp giới chức Somalia chống lại cướp biển.
Khi được hỏi liệu Mỹ có tiến hành không kích hay không, vị quan chức Mỹ cũng khẳng định sẽ khó xảy ra vì lý do nêu trên dù không bác bỏ hoàn toàn khả năng này.
Hải tặc Somalia đã bắt giữ hàng chục con tàu và thu được hàng chục triệu đô la tiền chuộc, buộc Mỹ phải đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự an ninh của mình, đặc biệt là sau khi bọn cướp biển đã cướp tàu Maersk Alabama của Mỹ và bắt giữ thuyền trưởng của tàu này cách đây khoảng hơn 1 tuần.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Mỹ sẽ tìm cách theo dõi và phong toả tài sản của bọn cướp biển.
Vị quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên tiết lộ trong vài tháng gần đây Mỹ đã nắm được nhiều thông tin hơn về cách thức hải tặc sử dụng tài chính để chi cho hoạt động cướp bóc.
Giới luật sư tại Washington và các cựu quân nhân Mỹ đã kêu gọi các lực lượng an ninh Mỹ phải tấn công sào huyệt của bọn cướp biển trên đất liền.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lo ngại bất kỳ hành động tấn công nào trên đất liền cũng sẽ dẫn đến tổn thất về người đối với thường dân và đặc biệt là tạo cho bọn cướp biển có cớ để cấu kết với các tay súng Hồi giáo nổi dậy như nhóm al-Shabab tại Somalia.
Trong quá khứ, Mỹ đã từng không kích vào đất nước vô chính phủ Somalia nhằm tiêu diệt các phiến quân Hồi giáo.
Giải quyết vấn nạn cướp biển Somalia đòi hỏi nhiều yếu tố liên quan như các công ty vận tải biển phải nỗ lực bảo vệ tàu hàng của mình nhiều hơn nữa, Mỹ có thể hỗ trợ củng cố lực lượng phòng vệ bờ biển của vùng bán tự trị Puntland thuộc Somalia.
Puntland, nơi hiện nay có nhiều đại bản doanh của hải tặc cắm tại đó, có một lực lượng phòng vệ bờ biển nhỏ và yếu. Mỹ đang cân nhắc tăng cường nâng cao sức mạnh của lực lượng này.
Một vấn đề khác nữa là làm cách nào khởi tố những kẻ có trách nhiệm và khởi tố tại đâu.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 20.4 chỉ trích việc NATO trả tự do cho nhiều tên cướp biển Somalia vì “không có quyền bắt giữ” đã gửi đi một thông điệp sai lầm cho bọn hải tặc.
|