Một báo cáo mới ra hôm nay (27.4) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khẳng định Đông Nam Á sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, khiến các nền kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp trong khu vực bị giảm tới 6,7% GDP hàng năm vào cuối thế kỷ này.
ADB cảnh báo nếu tốc độ thải khí carbon vẫn tiếp tục duy trì như hiện nay thì 4 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á gồm Philippines, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam sẽ bị thiệt hại về kinh tế lớn gấp 2,5 lần so với mức độ trung bình toàn cầu vào năm 2100.
Cụ thể, tổn thất mỗi năm của 4 nước dự kiến sẽ là 230 tỉ USD, tức 6,68% GDP gộp của cả 4 nước. Trong khi đó, tổn thất ước tính trên toàn thế giới chỉ chiếm 2,6% GDP toàn cầu.
Indonesia và Philippines có đa số người dân sống trên các đảo sẽ đối mặt với tình trạng nước biển dâng cao. Thái Lan và Việt Nam sẽ bị mất 50% sản lượng lúa thu hoạch vì thiếu nước.
Lượng mưa ít dẫn đến hạn hán nghiêm trọng, cháy rừng nhiều hơn; bão nhiệt đới có mức độ tàn phá ghê gớm hơn và lụt lội phá huỷ 2.500km2 rừng ngập mặn, nhấn chìm đất đai, nhà cửa của hàng triệu người.
Chìa khoá để Đông Nam Á chống lại tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra tại khu vực là bảo vệ rừng. Tuy nhiên, tốc độ phá rừng trong những năm gần đây đã gia tăng chóng mặt vì nạn khai thác gỗ trái phép và việc mở rộng các trang trại trồng cọ lấy dầu hay trồng các loại cây công nghiệp khác.
ADB kêu gọi các nước Đông Nam Á, đặc biệt là 4 nước nói trên, tích cực truyền thông nâng cao nhận thức về tính bức thiết phải hành động chống lại tình trạng biến đổi khí hậu ngay bây giờ. Chính phủ các nước cần phải có những chính sách tốt hơn, các cơ quan hữu quan, chính quyền trung ương và địa phương phải phối hợp hiệu quả hơn, các nước cùng hợp tác nghiên cứu tốt hơn.
|