|
Các bộ trưởng tài chính ASEAN+3 trong buổi họp báo ngày 3.5 tại Bali (Indonesia) |
Chi tiết của kế hoạch xây dựng một quỹ dự trữ ngoại tệ lớn giữa các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) đã được thông qua lần cuối cùng vào hôm qua (3.5). Như vậy, sau khi được giới thiệu lần đầu tiên cách đây 2 năm, sáng kiến cùng chung tay giải quyết các vấn đề tài chính khẩn cấp của khu vực đã đạt được kết quả đồng thuận tốt đẹp.
Các bộ trưởng tài chính của các nước ASEAN+3 đã nhất trí với tất cả các hợp phần chính về gói dự trữ ngoại tệ khu vực được biết đến với cái tên Đa phương hoá sáng kiến Chiang Mai (CMIM) và thống nhất sẽ triển khai trước cuối năm nay.
Thoả thuận CMIM có đề cập đến “sự đóng góp của mỗi quốc gia, điều kiện được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ và cơ chế giám sát”, tuyên bố sau cuộc họp các bộ trưởng tài chính viết.
Tổng giá trị gói CMIM là 120 tỉ USD với tỉ lệ đóng góp giữa ASEAN và 3 nước lần lượt là 20% và 80%.
Nhật Bản sẽ đóng góp 38,4 tỉ USD/nước vào quỹ. Phần góp của Hàn Quốc là 19,2 tỉ USD.
Trung Quốc cũng sẽ đóng góp ngang bằng với Nhật Bản trong đó phần góp của riêng Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông là 4,2 tỉ USD.
CMIM được hình thành với mục đích “giải quyết những khó khăn về tính thanh khoản trong ngắn hạn ở khu vực và góp phần khắc phục những hậu quả do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay gây ra”.
Các bộ trưởng đã thống nhất thành lập một uỷ ban giám sát khu vực độc lập có vai trò giám sát và phân tích các nền kinh tế khu vực, hỗ trợ cho việc ra quyết định liên quan đến CMIM. Để khởi đầu, sẽ có một uỷ ban các chuyên gia cố vấn làm việc chặt chẽ với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Hội đồng thư ký ASEAN.
Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng còn bày tỏ sự ủng hộ thành lập Cơ chế đầu tư và đảm bảo tín dụng (CGIM) đóng vai trò là một quỹ được giữ uỷ thác cho ADB với số vốn ban đầu là 500 triệu USD. Quỹ này có thể được bơm thêm cho đến khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu.
Tổng giám đốc điều hành ADB Rajat Nag phát biểu sau cuộc họp các bộ trưởng tài chính: “Đây là một bước đáng mừng trong việc giải quyết khủng hoảng tài chính, một bước quan trọng trong kiến trúc tài chính của khu vực và nó sẽ truyền lòng tin cho thị trường tài chính”.
Khi được hỏi liệu CMIM có thay thế vai trò của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong khu vực hay không, ông Rajat khẳng định CMIM chỉ là “một phần bổ sung rất tốt” vào những gì mà IMF đang làm.
Bộ trưởng Tài chính Philippines Margarito B. Teves nói: “Thật vui khi chúng ta không lâm vào tình trạng giống như Mỹ hay châu Âu hiện nay nhưng tốt hơn hết là chúng ta phải nên chuẩn bị trước. Một khi có nhu cầu (tài chính), chúng ta có thể tự giải quyết những khó khăn của mình và có sẵn điều kiện để thực hiện điều đó”.
|