Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ hôm qua (6.5) đã đạt được một thỏa thuận tạm thời nhằm giải quyết những tranh cãi kéo dài xung quanh vụ thịt bò nhiễm hormone tăng trưởng. Tuy nhiên, để có hiệu lực thỏa thuận cần được các chính phủ EU và Quốc hội Mỹ thông qua.
Phát biểu sau cuộc gặp với đại diện thương mại Mỹ RonKirk, Cao ủy thương mại EU Catherine Ashton tuyên bố hai bên đã ký kết một biên bản ghi nhớ nhằm tiến tới hướng giải quyết thực tế đối với những tranh cãi kéo dài liên quan đến thịt bò giữa hai bên.
Thỏa thuận sẽ cho phép Mỹ xuất 20.000 tấn thịt bò miễn thuế vào thị trường châu Âu trong 3 năm đầu tiên và tăng lên 45.000 tấn bắt đầu từ năm thứ 4 đối với loại thịt bò chất lượng cao không được chế biến từ những con bò được nuôi bằng hormone kích thích tăng trưởng.
Cũng theo thỏa thuận, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp cấm vận kinh tế hàng năm đối với hàng hóa của EU, nhưng cam kết không ban hành thêm bất kì biện pháp trừng phạt mới nào trong khoảng thời gian 3 năm đầu tiên và sau đó rút dần vào năm thứ 4.
Hai bên cũng kìm chế không để xảy ra vụ kiện tụng mới nào chuyển tới Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) liên quan đến thịt bò nhiễm hormone tăng trưởng trong ít nhất 18 tháng.
Trước khi thời hạn 4 năm của thỏa thuận này kết thúc hai bên phải ký kết một thỏa thuận lâu dài khác.
Kể từ đầu những năm 1980, EU đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt bò nhiễm hormone kích thích tăng trưởng. Lệnh cấm đã buộc Mỹ và Canada phải ra tranh chấp tại WTO vào năm 1996.
Năm 1988, WTO đã ra phán quyết chống lại EU và cho phép Mỹ, Canada áp đặt các lệnh cấm vận hàng năm đối với những loại hàng hóa của EU có trị giá 116,8 EURO, tương đương 155,6 triệu USD.
Vào năm 2003, EU tuyên bố họ có những bằng chứng khoa học chứng minh rằng việc họ cấm nhập khẩu loại thịt bò nhiễm hormone tăng trưởng là đúng và yêu cầu Mỹ và Canada nới lỏng các biện pháp cấm vận kinh tế. Tuy nhiên yêu cầu này đã bị Mỹ và Canada bác bỏ và vẫn duy trì các biện pháp cấm vận kinh tế.
Hồi tháng 11.2008, WTO đã yêu cầu Mỹ và Canada nên chấm dứt các biện pháp cấm vận đối với hàng hóa của EU và kêu gọi 3 bên cùng ngồi lại để giải quyết tranh chấp.
|