Số người bị đói trên thế giới chẳng bao lâu nữa sẽ lên đến con số kỉ lục 1 tỉ người bất chấp giá cả lương thực gần đây đã giảm xuống, Tổ chức Nông lương (FAO) của Liên Hiệp Quốc hôm 6.5 cảnh báo.
Nói với giới phóng viên sau cuộc họp kéo dài 2 ngày giữa FAO và Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), Tổng giám đốc FAO Jacques Diouf cho biết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay một mặt làm giá lương thực đi xuống nhưng mặt khác kéo theo hoạt động thương mại và viện trợ phát triển giảm sút. Vì vậy, sẽ có thêm khoảng 104 triệu người trên thế giới lâm vào cảnh thiếu ăn, tức nhận được ít hơn 1.800 calorie/ngày, trong năm nay.
“Chưa bao giờ chúng tôi thấy có nhiều người bị đói trên thế giới như lúc này”-ông Diouf nói.
Số người bị thiếu ăn cũng tăng đáng kể với 40 triệu người trong năm 2008 và 75 triệu người trong năm 2007.
Nếu dự đoán cho năm 2009 chính xác thì thế giới sẽ có xấp xỉ 1 tỉ người, tức gần 1/6 dân số thế giới, bị đói ăn vào cuối năm nay.
“An ninh lương thực là một vấn đề quan trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới”-ông Diouf nhấn mạnh và cho biết thêm sản lượng lương thực sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 nhưng tốc độ tăng này chỉ đủ vừa đuổi kịp tốc độ tăng dân số.
Mặc dù giá lương thực trên thế giới đã giảm 30% từ tháng 6.2008 nhưng mặt bằng giá lương thực nói chung vẫn cao hơn mức giá của năm 2006. Tuy nhiên, tại các nước đang phát triển, giá lương thực tính từ tháng 6.2008 đến nay chỉ giảm 12%-14%, thấp hơn nhiều so với mức giảm toàn cầu. Giá các mặt hàng thiết yếu tại nhiều nước nghèo thậm chí không giảm một chút nào.
Trong khi đó, mức tăng sản lượng lương thực sản xuất ra tại các nước đang phát triển, trong đó có những nước đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil chỉ tăng 0,4%, không đủ đáp ứng nhu cầu của dân số tăng trong nước. Ngược lại, các nước phát triển có mức tăng sản lượng lương thực cao khác biệt (12%-13%).
Những khó khăn mang tính hệ thống như hạ tầng cơ sở yếu kém (đường giao thông nông thôn xấu, kho dự trữ và hệ thống thủy lợi thiếu) và sự phụ thuộc vào lượng mưa tự nhiên được cho là nguyên nhân dẫn đến sản lượng lương thực thấp ở các nước nghèo.
FAO kêu gọi các nước giàu tăng viện trợ cho các nước nghèo để chi cho phát triển nông nghiệp.
Kể từ sau Cách mạng xanh vào thập niên 1970, viện trợ dành cho nông nghiệp đã giảm sút mạnh từ 17% xuống còn 3% như hiện nay.
|