|
Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (trái) bắt tay Ủy viên Thương mại EU Catherine Ashton (phải) trước khi bước vào khai mạc Đối thoại thương mại và kinh tế cấp cao Trung Quốc-EU tại Brussels (Bỉ) ngày 7.5 |
Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn hôm 7.5 đã khai mạc đối thoại thương mại và kinh tế cấp cao Trung Quốc-Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) bằng lời kêu gọi EU cùng Trung Quốc chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng tăng trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.
“Trung Quốc và EU cần phải giữ vững lập trường chống lại bất kỳ hình thức bảo hộ nào vì lợi ích của sự hồi phục kinh tế toàn cầu”-ông Vương nói.
Hiện EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc là đối tác lớn thứ 2 của EU. Theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc, kim ngạch hai chiều trong năm 2008 đã tăng tới 425,58 tỉ USD, cao hơn năm trước 19,5% bất chấp sự ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính.
Phó thủ tướng Trung Quốc cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ cuối cùng sẽ không mang lại lợi ích bảo vệ được cho ai nhưng sẽ dẫn đến hành động trả miếng lẫn nhau giữa các quốc gia và làm cho cuộc khủng hoảng hiện nay thêm trầm trọng như lịch sử đã từng chứng minh.
Nền kinh tế thế giới đã trả một giá đắt khi chủ nghĩa bảo hộ phát triển trong thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930, làm giảm tới 2/3 kim ngạch thương mại toàn cầu.
Ông Vương đặc biệt kêu gọi EU nới lỏng các qui định hạn chế chuyển giao công nghệ xanh tiên tiến như năng lượng mới, kỹ thuật xây dựng tiết kiệm năng lượng, tái chế rác thải cho Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.
Về phía Trung Quốc, ông Vương cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục cử các đoàn khảo sát trao đổi thương mại với EU và khuyến khích các công ty Trung Quốc tăng cường thu mua, nhập khẩu từ EU nhằm thúc đẩy ngành thương mại của EU trong thời kỳ khó khăn.
Đáp lại, Ủy viên Thương mại EU Catherine Ashton, đồng chủ tịch cuộc đối thoại kéo dài 2 ngày với ông Vương, khẳng định khối kinh tế gồm 27 quốc gia thành viên sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tự do thương mại, đặc biệt hướng đến Vòng đàm phán Doha.
Tháng 2 vừa qua, một phái đoàn lớn gồm nhiều công ty Trung Quốc đã đến Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha và Anh để ký nhiều hợp đồng tổng trị giá 13,6 tỉ USD với các đối tác châu Âu.
Tuy nhiên, mối lo ngại chính của Trung Quốc hiện nay là EU thường xuyên các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc.
Đối thoại thương mại và kinh tế Trung Quốc-EU được tổ chức hàng năm theo khuôn khổ thỏa thuận song phương đã ký kết trong Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-EU tháng 11.2007. Lần đối thoại đầu tiên diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 4 năm ngoái và đối thoại năm nay là lần thứ 2.
|