Theo sau sự đổ vỡ lòng tin và sụt giảm nhu cầu toàn cầu, châu Âu đã bước vào thời kỳ suy thoái kinh tế sâu và đứng trước nguy cơ sẽ lún sâu hơn vào suy thoái, cuộc khảo sát mới của Quỹ Tiền tệ quốc tế về nền kinh tế châu Âu nhận định.
Khủng hoảng tài chính đã gây thiệt hại lớn cho các nền kinh tế phát triển lẫn đang phát triển tại châu Âu vì 2 lý do. Thứ nhất, những cú sốc toàn cầu hiện nay tác động không những khu vực tài chính mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Thứ hai, châu Âu có quan hệ thương mại gắn kết chặt chẽ trong khu vực lẫn toàn cầu.
Đối với các nền kinh tế phát triển của châu Âu, GDP dự kiến sẽ giảm mạnh trong năm 2009 với tốc độ tăng trưởng âm 4% và giảm nhẹ hơn trong năm 2010. Tốc độ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế mới nổi tại châu Âu trong năm 2009 là âm 4,9% và sẽ hồi phục nhẹ trong năm sau.
Các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra những giải pháp chưa từng có tiền lệ để đối phó với tình trạng khủng hoảng kinh tế và tài chính trầm trọng hơn. Tuy nhiên, báo cáo khảo sát của IMF nhận xét khu vực tài chính của châu Âu vẫn chưa trở lại hoạt động bình thường. Quá trình này có thể sẽ mất một thời gian dài.
Để giúp nền kinh tế châu Âu hồi phục một cách vững vàng, cần phải có những chính sách hành động mạnh mẽ, toàn diện hơn đòi hỏi sự hợp tác hữu hiệu ở cấp độ khu vực và hỗ trợ nhiều hơn cho các nền kinh tế mới nổi nếu cần. Các chính sách đối phó bao gồm các chính sách tiền tệ, tài chính và tín dụng liên quan chặt chẽ với nhau. Đặc biệt, cần phải có sự phối hợp mạnh trong các chính sách công.
IMF đã thúc giục tiến hành một cuộc kiểm tra “sức khỏe” ngành ngân hàng tại châu Âu giống như tại Mỹ. Qua đó, các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn trung thực hơn về hiện trạng khu vực tài chính, tiền tệ để có những quyết sách thích hợp.
|