Sự nghiên cứu phát triển vaccine ngừa cúm A (H1N1) một phần khởi đầu từ bằng chứng cho thấy các chủng vi rút cúm trong đó có vi rút cúm mùa và vi rút mới H1N1 đang dần trở nên kháng với thuốc chống vi rút Tamilflu, một chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 12.5 tuyên bố. Việc sử dụng rộng rãi thuốc điều trị cúm nói chung và cúm A (H1N1) có thể sẽ bị hạn chế.
Chuyên gia Nikki Shindo phụ trách theo dõi tình hình dịch cúm A (H1N1) hàng ngày của WHO nói tỉ lệ bệnh nhân nhập viện vì nhiễm vi rút cúm A (H1N1) tại Mỹ và Mexico cao đã thúc giục giới khoa học phải nhanh chóng phát triển vaccine mới vì “chúng ta đang đối mặt với nguy cơ vi rút kháng thuốc”.
“Năm ngoái, đã có rất nhiều trường hợp vi rút cúm mùa kháng hoạt chất oseltamivir trong Tamilflu”.
Các nhà chức trách về sức khỏe thế giới hôm 12.5 khuyến cáo cần hết sức thận trọng trong việc kê đơn 2 loại thuốc điều trị cúm (Tamilflu và Relenza). Chỉ những bệnh nhân có bệnh cảnh lâm sàng nặng, phụ nữ có thai và những bệnh nhân dễ bị nhiễm bệnh khác mới được chỉ định dùng thuốc khi cần thiết. Mục đích là một phần giúp cho thuốc vẫn phát huy tốt tác dụng trong trường hợp vi rút cúm A (H1N1) trở nên nguy hiểm hơn.
Hiện châu Âu đang mạnh tay kê đơn thuốc điều trị cúm A (H1N1). Mặc dù chưa có dấu hiệu kháng thuốc tại châu lục này nhưng WHO khuyến cáo châu Âu nên làm theo Mỹ và Mexico, chỉ cấp thuốc cho những bệnh nhân cần nhất.
Theo số liệu thống kê của WHO, tính đến ngày 12.5, đã có 5.251 trường hợp được xác định hoặc nghi nhiễm cúm A (H1N1) tại 32 nước trên thế giới với 61 ca tử vong. Phần Lan và Thái Lan là 2 nước mới nhất xuất hiện trong danh sách các nước có ca nhiễm cúm A (H1N1). Thái Lan cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên bị vi rút cúm A (H1N1) gõ cửa.
Mỹ và Mexico là 2 nước đứng đầu về số ca nhiễm cúm (chiếm tới 90% trong tổng số 5.251 ca mắc bệnh).
WHO cảnh báo vi rút cúm A (H1N1) tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra đại dịch cúm trên toàn cầu làm khoảng 1/3 dân số thế giới mắc bệnh.
Trong một diễn biến khác liên quan, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp cấm nhập khẩu thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ từ Mexico, hủy các chuyến bay tới Mexico và/hoặc cách ly hành khách Mexico vì lo ngại bệnh dịch lây lan. Tuy vậy, đã có 4 nước là Ecuador, Honduras, Kazakhstan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã quyết định dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu thịt lợn từ Mexico, tâm điểm của dịch cúm A (H1N1).
WHO và 3 tổ chức lớn khác trên thế giới đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động tẩy chay thịt lợn và khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy thịt lợn là nguồn lây bệnh.
|