|
Hiệp ước START mới ít có khả năng được k› kết trước cuối năm nay vì rào cản lá chắn tên lửa của Mỹ tại Trung Âu |
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 18.5 phát biểu trước thềm đàm phán hạt nhân Nga-Mỹ rằng Nga đang dự định tiến tới một thỏa thuận cắt giảm vũ khí “chấp nhận được‹ với Mỹ.
Phái đoàn đàm phán Mỹ do Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Rose Gottemoeller dẫn đầu chuẩn bị tham gia vòng đàm phán Nga-Mỹ đầu tiên kéo dài 2 ngày (19-20.5) bàn về việc tìm kiếm một thỏa thuận mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START 1) sắp sửa hết hiệu lực vào ngày 5.12.2009.
Ngoại trưởng Nga bày tỏ hi vọng sẽ có “những cách tiếp cận và trao đổi vấn đề thành công” trong vòng đàm phán đầu tiên này, cho phép 2 bên tiến tới “những thỏa thuận song phương chấp nhận được.
Ông Lavrov cũng khẳng định phía Nga sẽ đưa vấn đề Mỹ dự định xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại Trung Âu vào đàm phán.
START 1 được Nga và Mỹ ký kết vào năm 1991, bắt buộc mỗi nước phải giảm số đầu đạn hạt nhân xuống còn 6.000 và số tên lửa phóng đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.600.
Năm 2002, Nga và Mỹ tiếp tục ký một thỏa thuận cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược thường được biết đến với cái tên Hiệp ước Moscow. Theo đó, mỗi bên phải giảm số đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.700-2.200 vào tháng 12.2012.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và người đồng nhiệm Mỹ Barack Obama đã thống nhất với nhau trong cuộc hội đàm tại London (Anh) hồi đầu tháng 4 vừa qua về việc nối lại ngay lập tức các cuộc đàm phán về một hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới.
Mặc dù 2 bên đã bày tỏ sự lạc quan về kết quả đàm phán nhưng có rất ít cơ hội cho thấy Moscow và Washington sẽ đạt được thỏa thuận mới trước cuối năm nay vì bất đồng liên quan đến lá chắn tên lửa của Mỹ tại Trung Âu.
Hiện Mỹ đã sẵn sàng phát triển một thỏa thuận mới dựa trên cơ sở Hiệp ước Moscow trong khi Nga cho rằng hiệp ước này không có ý nghĩa gì khi START 1 hết hiệu lực.
Nga đưa ra 3 đề nghị trong thỏa thuận mới. Thứ nhất, không xếp cơ số đầu đạn hạt nhân đã có trong kho quân sự vào danh sách đầu đạn hạt nhân cần cắt giảm. Thứ hai, cần hạn chế số lượng các loại phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân hiện có. Thứ ba, 2 bên cần xây dựng một cơ chế giám sát việc cắt giảm vũ khí hạt nhân.
|