|
(Trái sang phải)Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Tổng thống Cộng hòa Czech Vaclav Klaus và Phụ trách chính sách đối ngoại của EU Javier Solana tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-EU lần thứ 23 |
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 23 đã khai mạc vào chiều nay (22.5) tại thành phố Khabarovsk tại vùng Viễn Đông của Nga, tập trung bàn về các vấn đề khủng hoảng kinh tế, hợp tác năng lượng, an ninh châu Âu và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Dẫn đầu đoàn đại biểu nước chủ nhà là Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.Ngoài ra, hội nghị còn có sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, Tổng thống Cộng hòa Czech Vaclav Klaus, đại diện của nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU và Phụ trách chính sách đối ngoại của EU Javier Solana.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Eu được tổ chức vào thời điểm cả 2 bên đang cố gắng hàn gắn quan hệ. Thư ký phụ trách quan hệ báo chí của tổng thống Nga cho biết EU đã bày tỏ thái độ sẵn sàng bàn bạc về những đề xuất của Nga về một cơ sở pháp lý quốc tế mới đối với vấn đề hợp tác năng lượng; ủng hộ nỗ lực của Nga tổ chức một hội thảo hòa bình Trung Đông tại Moscow trong năm nay.
Tổng thống Nga Medvedev gọi hội nghị thượng đỉnh lần này là “một truyền thống tốt đẹp”và mô tả thành phố Khabarovsk là “biên giới phía đông của một không gian rộng lớn hơn có thể gọi là “châu Âu mở rộng”. Ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga là phát triển quan hệ nhiều mặt với EU cũng như với từng nước thành viên EU trên cơ sở 2 bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hội nghị ít có khả quan thu được kết quả khả quan vì 2 bên vẫn duy trì những quan điểm khác biệt lớn.
Quan hệ Nga-EU đã trở nên căng thẳng sau cuộc xung đột Nga-Gruidia diễn ra vào năm ngoái. 2 bên cũng rất ít có những cuộc tiếp xúc và đối thoại về tình hình khu vực Caucasus liên quan đến việc Nga công nhận độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia. Ngoài ra, 12 tháng vừa qua đã chứng kiến một cuộc chiến khí đốt Nga-Ukraine làm gián đoạn nguồn cung khí đốt cho châu Âu vào giữa mùa đông khiến EU lo ngại về mức độ tin cậy của Nga trong vai trò là nhà cung cấp khí chính cho EU.
Các nhà lãnh đạo EU cũng đang cố gắng thuyết phục Nga chấp nhận chương trình Đối tác Đông Âu kêu gọi 6 nước thành viên Liên Xô cũ hợp tác chặt chẽ hơn với EU.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-EU lần thứ 23 còn đề cập đến các vấn đề quốc tế cấp bách khác như cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan, chương trình hạt nhân của Iran, tiến trình hòa bình Trung Đông.
Nga hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của châu Âu và đáp ứng khoảng ¼ nhu cầu khí đốt của EU. Ngược lại, EU là đối tác thương mại chính của Nga với kim ngạch xuất khẩu của Nga vào EU trong năm 2008 đạt 382 tỉ USD, chiếm 52% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga.
|