Công ty quốc doanh Techsnabexport của Nga và 3 công ty Mỹ thuộc tập đoàn FuelCo Group hôm 16.5 đã ký 3 hợp đồng dài hạn mua bán uranium nghèo trị giá hơn 1 tỉ USD. Đây là một sự kiện bước ngoặt vì nó chính thức đánh dấu việc Nga phá vỡ “bức tường” của Mỹ, cung cấp năng lượng hạt nhân trực tiếp vào Mỹ và kiểm soát 20% thị trường uranium của Mỹ, mở rộng tầm hoạt động của Nga trên toàn cầu trong lĩnh vực hạt nhân.
Tại buổi lễ ký kết hợp đồng ở Moscow, đại diện 1 công ty điện lực Mỹ PG&E, Ameren Corp và Luminant đã đặt bút ký vào thỏa thuận mua bán uranium nghèo trị giá hơn 1 tỉ USD với công ty xuất khẩu năng lượng hạt nhân Nga Techsnabexport. Theo giao kèo, phía Nga sẽ chuyển trực tiếp uranium cho 3 công ty Mỹ trong thời hạn từ 2014 đến 2020. Năng lượng do Nga cung cấp ban đầu sẽ được sử dụng vào việc tạo ra điện phục vụ 5 triệu gia đình Mỹ tại 3 bang California, Texas và Missouri.
Sergei Kiriyenko, Giám đốc tập đoàn quốc doanh năng lượng hạt nhân Nga Rosatom, công ty mẹ của Techsnabexport, phát biểu với báo giới: “Đây là một sự kiện đột phá mang tính cách mạng”. “Sau khi ký kết các hợp đồng trong hôm nay (tức 26.5), chúng tôi sẽ bắt đầu ký nhiều hợp đồng mới”-ông Kiriyenko khẳng định.
Chủ tịch FuelCo Group Bruce Hamilton nhận xét các thỏa thuận trên đã mở cánh cửa cho Nga trực tiếp kiểm soát 20% thị trường uranium tại Mỹ.
Trước năm 2008, luật chống bán phá giá của Mỹ chỉ cho phép Nga bán cho Mỹ uranium tái thu hồi từ các loại vũ khí hạt nhân thời Liên Xô cũ bị thải loại. Việc mua bán được thực hiện thông qua trung gian.
Nga, một trong những nước có hạt nhân lớn nhất nhì thế giới, từ lâu đã tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong lĩnh vực hạt nhân sang các thị trường phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản.
Đầu tháng này, Nga và Mỹ đã ký một thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự.
2 nước cũng hợp tác trong dự án hạt nhân HEU-LEU hay còn gọi là dự án chuyển đổi từ Megatons sang Megawatts được ký vào tháng 2.1993 và sẽ hết hiệu lực vào năm 2013.
Đầu năm nay, Nga đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với công ty Toshiba của Nhật và Siemens của Đức, biến Nga thành trung tâm của liên minh hạt nhân kéo dài từ Tây Âu sang Đông Á.
|